Sau vỉa hè, nên chăng là tên đường, số nhà… ?
(Dân trí) - Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh những ngày này đang cho thấy quyết tâm thay đổi bộ mặt đô thị, bằng việc đồng loạt ra quân lấy lại vỉa hè.
Để có được những đô thị văn minh, quả thật chúng ta còn nhiều việc phải làm. Sau chuyện vỉa hè, có lẽ sẽ đến chuyện đặt tên đường, đánh số nhà… bởi mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đô thị vừa cho biết trong một nghiên cứu rằng: tại thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 2100 tên đường là tên tạm, tên trùng nhau hoặc tên không có ý nghĩa.
Ai cũng biết thực trạng về việc đặt tên đường phố gần đây ở các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Những cái tên kỳ quặc: đường Ướp lạnh, đường SP 1, đường CD1, LS 1 hay đường BT 05, đường BT-8… ở Hà Nội; Đường Cựu chiến binh không rác, đường Kênh nước đen, đường Đo đạc bản đồ… ở thành phố Hồ Chí Minh v.v.
Riêng thành phố Hồ Chí Minh còn thêm hiện tượng tên trùng lặp. Tên của danh tướng Trần Bình Trọng được đặt cho 5 con đường ở Quận 5, Quận Gò Vấp, Quận 10, Quận Bình Thạnh và thị trấn Hóc Môn. Tên của anh hùng dân tộc, nhà vua Ngô Quyền, cũng được đặt cho 5 con đường ở Quận 5, Quận 10, Quận Tân Phú, Quận 9 và Thị trấn Hốc Môn...
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do “quỹ Tên đường” của chúng ta đã cạn kiệt. Trước đòi hỏi bức thiết về quỹ tên đường cho các thành phố, nhà nước đã có chủ trương bổ sung tên danh nhân thế giới vào quỹ tên, tuy nhiên nó chưa được thực hiện.
Thiết nghĩ, mở rộng nguồn tên đối với danh nhân thế giới thì chắc không lo cạn quỹ, nhưng với mục đích tôn vinh người có công với đất nước, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và để lưu giữ lịch sử, thì trước khi hướng đến danh nhân thế giới nên hướng đến những người bạn quốc tế từng có đóng góp cho sự phát triển cũng như tình hữu nghị với đất nước chúng ta.
Đây là việc chúng ta từng bắt đầu, khi cả ở Hà Nội lẫn thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đã có đường mang tên những người nước ngoài có công với Việt Nam như: Công viên Lê-nin, đường Yersin (Hà Nội), đường Alecxandre de Rhodes, Pasteur (tp Hồ Chí Minh)…
Đó không chỉ là tên những vị lãnh tụ xuất sắc như Jawaharlal Nehru (Thủ tướng Ấn độ), Fidel Catstro (Chủ tịch Cu ba), Olof Palme (Thủ tướng Thụy Điển)… Đó còn là những người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình của dân tộc ta, được nhân dân ta biết đến từ lâu. Ví dụ như:
Wilfred Burchett: Một nhà báo đã viết tám cuốn sách về Việt Nam. Sách, báo và phim tài liệu của ông về Việt Nam được phổ biến trên khắp thế giới, thức tỉnh công luận về cuộc chiến tranh Mỹ gây ra tại Việt Nam và tập hợp họ chống lại. Ông còn là bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Triết gia Anh Bertrand Rusell (giải Nobel Hòa bình năm 1966) đã viết về ông: “Người đã tự coi mình là một với dân tộc Việt Nam và đã phụng sự dân tộc mình một cách đáng khâm phục.”
Henri Martin: Người đi đầu trong phong trào phản đối chiến tranh của thực dân Pháp tại Việt Nam và Đông Dương những năm 50 của thế kỷ 20. Cuộc đời ông luôn gắn liền với những tháng năm đấu tranh không mệt mỏi, hết lòng vì hòa bình cho Việt Nam. Ông đã từng bị chính quyền Pháp bỏ tù 3 năm vì những hoạt động ủng hộ Việt nam.
Raymonde Dien: Người phụ nữ đã bất chấp cái chết, nằm xuống đường ray xe lửa dang rộng đôi tay ngăn đoàn tàu của nhà cầm quyền Pháp chở vũ khí sang Việt Nam.
Raymond Aubrac: Người được biết đến qua mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những đóng góp to lớn của ông đối với nền hòa bình cũng như công cuộc đổi mới đất nước của Việt Nam sau này.
Melba Hernandez: Nữ anh hùng Moncada, người có nhiều đóng góp trong việc hình thành và phát triển phong trào quần chúng sâu rộng vì tình đoàn kết và hữu nghị Cuba - Việt Nam, tham gia tích cực vào các hoạt động ủng hộ Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam.
Francis Henry Loseby: Luật sư đã bào chữa và ngăn cản âm mưu của chính quyền Hồng Công muốn giao nộp Nguyễn Ái Quốc cho chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Nhờ có ông, tòa án Hương Cảng phải trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc. Không những thế, nếu không có sự giúp đỡ của ông, Nguyễn Ái Quốc khó vượt qua được những khó khăn “hậu vụ án” mà mật thám Anh, Pháp đã âm mưu, để tiếp tục con đường cứu nước.
Norman Morrison: Một người hoạt động tích cực trong phong trào biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ông đã tự thiêu bên dòng sông Potomac sát Lầu Năm Góc, với thông điệp đòi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
v.v.
Còn có rất nhiều những người bạn quốc tế, những người đồng chí anh em đã có công ủng hộ giúp đỡ chúng ta về nhiều mặt trong suốt các chặng đường bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Ví như các chuyên gia quân sự, những người lính tình nguyện quốc tế thời chiến tranh, những nhà khoa học, các chính khách thời kỳ hậu chiến...
Khắc phục việc rắc rối, loạn số nhà, lựa chọn những cái tên quen thuộc, có ý nghĩa để tạo nên bản sắc riêng, chiều sâu văn hóa và sức cuốn hút cho các đô thị của chúng ta, là việc làm nên chăng?
Cát Thụy