Sáp nhập và "Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”!?

(Dân trí) - Khi đó, chắc chắn sẽ giảm đáng kể đội ngũ “5C – Con cháu các cụ cả”, “Tứ ệ - Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”. Khi đó, sẽ giảm đáng kể những ai làm thì kém nhưng nịnh bợ, luồn lách thì tài.

Sáp nhập và "Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”!? - 1

Ngày 18/9 vừa qua, UB Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội, văn phòng Hội đồng Nhân dân và văn phòng UBND cấp tỉnh.

Đây có lẽ là “màn mở đầu” của hệ thống tổ chức này trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay đồng thời cũng là hành động mạnh mẽ nhất, qui mô lớn nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội.

Theo đánh giá của UB Thường vụ Quốc hội, với ba văn phòng riêng rẽ hiện nay không chỉ làm cho bộ máy cồng kềnh, khó tập trung nguồn lực, tăng trụ sở mà còn dẫn đến tình trạng các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, nhiều tầng nấc trung gian…

Do đó, cần hợp nhất để sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên… Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương.

Tuy nhiên, do đây là việc lớn, phức tạp nên theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trước mắt sẽ thực hiện thí điểm khoảng 10 tỉnh, thành phố bao gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, TP.HCM, Tây Ninh, Tiền Giang.

Nhìn lại các sự kiện gần đây như việc nhất thể hóa ở Quảng Ninh, bỏ cấp tổng cục của bộ Công an và chủ trương hợp nhất ba văn phòng nói trên cho thấy, công cuộc cải cách hành chính, tinh giản bộ máy đã và đang đi vào chiều sâu, lan tỏa.

Tuy nhiên, theo người viết bài này, đã đến lúc cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa để đáp ứng với xu thế tất yếu của đời sống xã hội, sự mong đợi của người dân và từng bước thực hiện nâng lương cho cán bộ, công chức.

Cụ thể, có lẽ nên sáp nhập các bộ có chức năng tương đồng để tránh lấn sân, chồng chéo như Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Giáo dục & Đào tạo… Đưa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội…

Về tổ chức hành chính, cần sáp nhập một số địa phương tương đồng về kinh tế, văn hóa, địa lý hoặc có qui mô nhỏ, tiến tới bỏ cấp chính quyền huyện...

Về tổ chức chính trị, bước đầu sáp nhập một số cơ quan tương đồng vào Mặt trận TQ VN như đề xuất mới đây của Bộ Nội vụ.

Đặc biệt, đối với các Bộ có nhiều Tổng cục như Bộ KH&ĐT có 63 Cục trưởng và 124 Phó Cục trưởng, Bộ Tư pháp là 57 Cục trưởng và 134 Phó Cục trưởng và đặc biệt của đặc biệt là Bộ Tài chính, nơi có tới 181 Cục trưởng, 423 Phó Cục trưởng, chiếm hơn 50% số lượng Cục trưởng, Phó Cục trưởng thì cần phải có những biện pháp quyết liệt và phải làm ngay.

Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để loại bỏ 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, “có cũng được mà không cũng được” bởi việc nhiều, những ai không đảm đương được nhiệm vụ sẽ lập tức bị đào thải do áp lực.

Khi đó, chắc chắn sẽ giảm đáng kể đội ngũ “5C – Con cháu các cụ cả”, “Tứ ệ - Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”.

Khi đó, sẽ giảm đáng kể những ai làm thì kém nhưng nịnh bợ, luồn lách thì tài.

Khi đó, sẽ không còn tình trạng “đa quan, tàn dân”, người làm thì ít, người ăn theo, người phá thì nhiều…

Và không thể không nhắc lại lời của Đức Vua Trần Nhân Tông: "Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”!

Bùi Hoàng Tám