“Sáp nhập” – Cuộc “cách mạng” nhiều “tâm tư” và… “đau xót”!
(Dân trí) - Điều người dân mong đợi, đó là việc sáp nhập, tinh giản bộ máy phải đi vào thực chất, tức là phải giảm được số công chức “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, loại bỏ những ai yếu kém, lười biếng, thiếu trách nhiệm... Đặc biệt là những cán bộ, công chức nhũng nhiễu nhân dân.
Sau thí điểm thành công nhất thể hóa ở Quảng Ninh, bỏ cấp Tổng cục tại Bộ Công an, đề xuất sáp nhập một số bộ ngành của Bộ Nội vụ và gần đây nhất, thí điểm hợp nhất Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐB QH và Văn phòng UBND tại 10 tỉnh, một không khí cải cách hành chính đang lan tỏa mạnh mẽ.
Mở đầu, có thể kể đến Hà Giang và Lao Cai, hai tỉnh địa đầu Tổ quốc.
Theo nghị quyết mới đây của Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, Hà Giang sẽ hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ thành Ban Tổ chức - Nội vụ. Hợp nhất Thanh tra tỉnh với UB Kiểm tra Tỉnh uỷ thành UB Kiểm tra - Thanh tra tỉnh. Hợp nhất Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh thành Đảng bộ khối cơ quan - doanh nghiệp.
Trước đó, vào tháng 7/2018, Lào Cai chính thức sáp nhập hai Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai.
Xin chúc mừng Hà Giang, Lao Cai và mong rằng thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa các địa phương thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế để xây dựng nền hành chính tinh gọn và hiệu quả.
Công bằng nhìn nhận, đây là công việc rất khó khăn và không tránh khỏi những “tâm tư”, “đau xót” từ người trong cuộc.
Ví như khi sáp nhập hai đơn vị, chắc chắn sẽ có một vị phải xuống làm phó (nếu không chuyển đi nơi khác). Đang đường đường làm trưởng, “quyền sinh, quyền sát” trong tay, quyết gì được nấy, giờ nhất nhất phải “báo cáo anh” tất nhiên là khó có thể không tâm tư, nghĩ ngợi.
Rồi người phải xuống phó cũng ngại ngùng bởi nhìn ở khía cạnh nào đó, tức là đã bị thua kém, “thất sủng”. Không chỉ bản thân cơ quan có người bị “xuống phó”, ngay cả anh em trong cùng đơn vị cũng không khỏi có cảm giác cơ quan mình, đơn vị mình…“thất thế” so với “đối tác”.
Đó là chưa kể, nếu như có chuyện chạy chức, chạy quyền, phải bỏ ra cả đống tiền chẳng hạn, thì không chỉ tâm tư mà còn… xót xa, đau đớn và bài toán đặt ra, đó là lại “chạy”?
Ngày 9/8, tại Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 do Bộ Nội vụ tổ chức, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã thốt lên: “Chỉ mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ kia, ở dưới đã có hiện tượng “chạy” rồi”.
Đây là những khó khăn có thật và tâm tư có thật.
Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy, công cuộc cải cách hành chính, tinh giản biên chế cũng không thể lùi bước bởi đây là quyết tâm của Đảng, mong muốn của Nhân dân. Đất nước không thể nuôi một bộ máy hành chính vừa khổng lồ, vừa trì trệ với đội ngũ công chức được “mệnh danh”: “Hành dân là chính”.
Điều người dân mong đợi, đó là việc sáp nhập, tinh giản bộ máy phải đi vào thực chất, tức là phải giảm được số công chức “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, loại bỏ những ai yếu kém, lười biếng, thiếu trách nhiệm... Đặc biệt là những cán bộ, công chức nhũng nhiễu nhân dân.
Cụ thể hơn, nếu sáp nhập 2 đơn vị chẳng hạn, tổng số cán bộ, công chức và những người hưởng lương từ ngân sách phải giảm khoảng 1/3. Nếu không, việc sáp nhập chỉ như bài toán cộng gộp, chỉ bớt đi được một ông giám đốc và tăng thêm một ông phó giám đốc…
Sáp nhập, cuộc “cách mạng” nhiều “tâm tư” và… “đau xót”.
Bùi Hoàng Tám