Sao mà đề xuất sân bay nhiều thế?

Bích Diệp

(Dân trí) - Mấy ngày vừa qua, câu hỏi này liên tục xuất hiện trong đầu tôi khi báo chí dồn dập đưa tin về "làn sóng" đề xuất làm sân bay của các địa phương gửi đến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Sao mà đề xuất sân bay nhiều thế? - 1

Theo đó, sau hơn một tháng lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 thì Bộ GTVT đã nhận được rất nhiều đề xuất từ các địa phương.

Đại ý, địa phương nào chưa có thì cũng muốn có, mà đã có sân bay rồi lại muốn mở rộng, nâng cấp thêm. Mà lý do đều rất… hợp lý: phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Nào Bình Phước, Ninh Thuận, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Hà Giang cũng kiến nghị đưa sân bay đã có vào quy hoạch hay xây dựng sân bay mới.

Rồi Bắc Giang - địa phương ngay "sát nách" Hà Nội cũng muốn chuyển sân bay Kép là sân bay quân sự trở thành sân bay lưỡng dụng, tức là bao gồm cả khai thác hàng không dân dụng.

Với đà này, người viết thầm nghĩ, giả như mà được chấp thuận thì tới đây có khi ngành vận tải ô tô, đường sắt sẽ ế khách lắm vì tỉnh nào cũng có sân bay cả rồi!

Nhưng, đương nhiên là… khó!

Bởi lẽ, phát triển kinh tế là tốt, tạo điều kiện cho người dân di chuyển cũng không sai, nhưng đâu phải nơi nào cũng "cần phải" có và cũng đủ năng lực để xây dựng.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã khẳng định rằng, quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là không phát triển ồ ạt mà đầu tư có trọng điểm, đầu tư cảng lớn mang tính cách mạng về quy mô, năng lực.

"Một số tỉnh muốn đưa sân bay tỉnh mình thành sân bay quốc tế, nhiều địa phương lại có sân bay to hơn. Trong khi về nguyên tắc chúng ta phải phát triển đồng bộ. Phát triển đến đâu, đầu tư đến đấy chứ không thể tỉnh nào cũng muốn sân bay thật to, nhà ga thật đẹp. Sân bay là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để phát triển một tỉnh" - ông Thắng cho biết.

Nói vậy để nhiều người cũng cần "bừng tỉnh" với "giấc mơ" sân bay. Đề xuất là đề xuất, còn từ đề xuất đến thực tiễn là cả một chặng đường dài.

Báo Giao Thông dẫn lời một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nêu nhận xét: Khi các tỉnh đề xuất thì họ cũng đang "nhắm" đến ngân sách trung ương hoặc ngân sách của nhà đầu tư, nếu được thì họ có sân bay, "bằng không cũng chẳng mất gì".

Đúng là lãnh đạo các địa phương đó chẳng mất gì, nhưng sự thật lại có khối người được lợi và có khối người mất tiền với những sân bay "đang đề xuất" và "đang quy hoạch" này.

Dẫn một đường link về thông tin cả nước trong "cơn khát" sân bay, một người bạn của tôi đang làm giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đưa ra bình luận, nhiều nơi đất đã tăng "xxx lần", ám chỉ tình trạng sốt đất tại những địa phương có ý định làm sân bay.

Vấn đề này cũng đã được các phóng viên bất động sản ghi nhận tại nhiều nơi. Chẳng hạn như tại huyện Hớn Quản (Bình Phước), cơn "sốt đất" ăn theo quy hoạch sân bay đang khiến người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mất đất sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ đói, nghèo.

Cụ thể, sau khi Đoàn công tác của Tỉnh ủy đi khảo sát khu vực sân bay Técníc tại huyện Hớn Quản, nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai trong và ngoài tỉnh lợi dụng thông tin này để tụ tập đông người đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế. Trong một ngày, một mảnh đất có thể đổi chủ 3 đến 4 lần, giá chênh lệch vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Choáng!

Tóm lại, sân bay nếu có thì… tốt. Nhưng hãy thật tỉnh táo với thông tin, đừng để tiền túi của mình trở thành món mồi béo bở trên thị trường chỉ vì… "có thể sẽ có" sân bay!