Sao cứ phải giáo sư, tiến sĩ mới làm được quy hoạch?
(Dân trí) - “Đội ngũ làm quy hoạch của TP.HCM không nhiều, vừa qua, chúng tôi làm 2 - 3 quy hoạch nhưng đều thất bại. Đội ngũ giáo sư, tiến sĩ làm về quy hoạch quá ít. Nếu địa phương phải làm quy hoạch của tỉnh phù hợp quy hoạch quốc gia, vùng thì lấy đâu nhân sự để làm, rất khó cho chúng tôi”.
Chia sẻ này của ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM tại Hội nghị trực tuyến do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 24/9 đã tạo ra không ít ý kiến trái chiều.
Không ít người, trong đó có bản thân người viết, đã sửng sốt tự hỏi: Chẳng nhẽ cứ phải là giáo sư, tiến sĩ mới làm được quy hoạch? Có phải vì thiếu đội ngũ giáo sư, tiến sĩ mà trong nhiều năm qua, câu chuyện quy hoạch mới nảy sinh ra lắm vấn đề đến thế?
Và trong khi người dân đang than phiền về chất lượng của giáo sư, tiến sĩ rồi lo lắng xảy ra tình trạng “lạm phát tinh hoa” thì đội ngũ giáo sư, tiến sĩ làm quy hoạch lại… thiếu. Thiếu đúng vào lĩnh vực có tính quan trọng hàng đầu và quyết định đến sự thịnh vượng và bền vững của địa phương, của đất nước!
Báo Người Lao động ngày 5/5/2018 đưa thống kê, TP HCM có hơn 1.200 dự án đang trong giai đoạn triển khai nhưng thực tế, một nửa trong số này vẫn án binh bất động. Đáng nói, có những địa phương vì quá nhiều dự án chậm triển khai nên người dân gọi là “thủ phủ” quy hoạch treo như huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh.
Cách đây mấy tháng, ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội của đoàn TPHCM trong phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch đã nói về “nạn” quy hoạch treo thế này: Nhà cửa, ruộng vườn của người dân đang sinh sống hợp pháp thì mấy “ông” lãnh đạo địa phương cầm bản đồ đến vẽ, vẽ xong rồi treo.
Vị đại biểu này dẫn chứng, ở Bình Qưới, Thanh Đa treo hơn 20 năm nay. Lý do treo của dự án là chờ và kêu gọi nhà đầu tư, nhưng sau vài năm nhà đầu tư làm không được thì buông bỏ. Còn chính quyền vẫn không tháo gỡ mà lại chờ nhà đầu khác và cho đến nay đã chờ hơn 20 năm mà chưa thấy nhà đầu tư nào tìm đến. Dự án treo này khiến cuộc sống của người dân nơi đây cũng bị “treo” theo.
Chính vì vậy, ông Trần Hoàng Ngân – cũng là ĐBQH TPHCM đã nói rất thật rằng: Mỗi khi nghe tới 2 từ “quy hoạch” là người dân bức xúc. Bởi nhà, đất của người dân khi nằm trong diện bị quy hoạch là lập tức giá trị bị suy giảm, đời sống thì khó khăn. Nhà cửa, ruộng đất khi bị “dính” chữ “quy hoạch” là không thể thế chấp nhận. (báo Diễn đàn Doanh nghiệp 26-5-2018).
Vốn là đầu tàu kinh tế của cả nước mà TPHCM vẫn loay hoay với quy hoạch, quả thực là điều khiến không ít người phải lo ngại. Đành rằng phải chờ sự thống nhất trong thực hiện quy định luật, nhưng không nên đổ cho việc thiếu nhân lực. Thực tế thiếu gì địa phương đã chi tiền để thuê chuyên gia nước ngoài về quy hoạch, như lãnh đạo Đà Nẵng cũng đã tuyên bố không tiếc tiền để thuê chuyên gia góp ý, điều chỉnh lại quy hoạch.
Quy hoạch là vấn đề khó. Nhưng khó nhất theo người viết đó chính là đảm bảo loại bỏ được lợi ích nhóm trong quy hoạch, thiết kế và thực hiện quy hoạch theo đúng mục tiêu phát triển chung của địa phương, của vùng và của đất nước.
Làm được điều đó ngay từ khâu xây dựng và duyệt quy hoạch thì chắc chắn sẽ không còn phải lo về “treo” quy hoạch hay xung đột quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sau này.
Làm quy hoạch không thiếu chuyên gia, mà thành công của quy hoạch phụ thuộc vào quyết tâm và tầm nhìn của những người lãnh đạo, những nhà quản lý.
Bích Diệp