“Sách lược” mẹ chồng thời nay

(Dân trí) - Trước ngày cưới, tôi bị mọi người dọa rất nhiều. Nào là ở với mẹ chồng sẽ là bi kịch lớn. Nào là mẹ chồng thời nào cũng thế, càng yêu con trai thì càng khe khắt với con dâu. Rồi suốt ngày hầu hạ, dạ vâng, bị soi mói mọi nơi, mọi lúc…

“Sách lược” mẹ chồng thời nay - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Những thông tin đó làm tôi rất sợ lấy chồng nếu lại phải ở chung với bố mẹ chồng. Nhưng… ghét của nào trời trao của ấy.

Là con một nên tôi được bố mẹ cưng chiều. Từ bé đến lớn chỉ có học và học, cả ngày chẳng phải động chân, động tay tới việc gì.

Để “ứng phó” với hoàn cảnh “bi đát” này nên trước khi “công bố bằng văn bản”, tôi tìm hiểu trên mạng cách lấy lòng mẹ chồng và làm thế nào để sống “dĩ hòa vi quý” với mọi thành viên trong gia đình nhà chồng. Tôi đã tìm hiểu nhiều, rất nhiều. Tuy đã biết được nhiều “bí quyết” để có thể chung sống hòa bình với gia đình chồng nhưng tôi vẫn sợ lắm. Tất nhiên là cuối cùng, dù muốn hay không, tôi cũng phải dũng cảm bước vào một hành trình mới, bước tiếp trang sách của cuộc đời. 

Hồi chúng tôi mới cưới, nhìn mẹ chồng tôi, mọi người đều bảo bà sẽ rất khó tính và tôi sẽ khó sống chung cùng gia đình chồng. Nên tôi đã cố gắng vận dụng những "bí quyết' mà tôi tìm được để lấy lòng mẹ chồng và cứ nghĩ về sống với bố mẹ chồng chắc chỉ được ba bảy hai mốt ngày là phải ra ở riêng.

Nhưng sau một thời gian ngắn chung sống, tôi đã có thể khẳng định được rằng tôi không muốn ra ngoài ở riêng như ý định ban đầu. Tôi rất thích sống với gia đình chồng.

Tôi là một người khá đơn giản trong mọi chuyên nên từ chuyện bếp núc tới chuyện ăn nói sao cho vừa lòng người khác tôi “mít đặc”. 

Tôi đã được bố mẹ chồng chỉ bảo từ những việc nhỏ nhất như phơi quần áo thế nào cho nhanh khô, quét nhà thế nào cho ít bụi và sạch, đi chợ thế nào cho vừa rẻ mà lại vừa ngon… Rất nhiều rất nhiều điều tôi được mẹ chồng chỉ bảo.

Từ hồi về nhà chồng tới nay đã sang năm thứ 4 và có một mặt con nhưng có lẽ số lần tôi nấu cơm cho cả nhà rất ít, bố mẹ chồng tôi thấy tôi lóng ngóng nên làm giúp hết. Nhiều lúc, tôi tự hỏi sao bà lại có thể đảm đang, tần tảo, dịu dàng và hi sinh hết cho chồng con như vậy. Những đức tính của người phụ nữ Việt Nam xưa dường như hội tụ đầy đủ ở bà. Không biết bao giờ tôi mới có thể được như bà. Tôi nhìn bà mà thấy mình còn phải học hỏi rất nhiều. Thật may mắn cho tôi khi được sống trong bầu không khí tràn ngập yêu thương nơi gia đình chồng.

Tôi thầm cười một mình mỗi khi nghĩ đến hồi trước khi cưới mình đã sợ bà như thế nào. Bởi đọc trên báo chí toàn thấy mẹ chồng khắt khe, xét nét, cô giáo thì đánh học sinh, con cái thì sợ mẹ chứ không sợ bố…

Tôi đem chuyện này hỏi một người bạn lớn tuổi cùng cơ quan khá am hiểu lẽ đời. Anh bảo:

- Chuyện mẹ chồng khe khắt với con dâu cũ rồi em ơi. Ngày xưa khi làm dâu, các cụ rất khổ nên khi làm mẹ chồng, các cụ lai đem cái khổ mà họ phải gánh chịu đổ lên đầu con dâu. Ngày nay, các mẹ chồng khôn lắm, tinh ranh lắm. Bà biết là con ruột thịt dù thế nào cũng chẳng bỏ được bố mẹ. Nhưng con dâu thời nay thì khác bởi họ có thể sống độc lập. Quan hệ bây giờ là quan hệ qua lại. Mẹ chồng tốt với con dâu thì con dâu tốt lại với mẹ chồng. Còn nếu không thì cả hai đều thiệt. Nhiều bà mẹ chồng còn nhìn xa, trông rộng rằng nếu mình bất đồng với con dâu, người khổ  nhất trong chuyện này chính là con trai các cụ. Vì vậy, những bà mẹ chồng thời nay không những chiều chuộng mà có người còn “nịnh” nàng dâu nữa.

Các bạn thân mến!

Những điều người bạn từng trải của tôi nói có đúng không? Tôi thì dù sao cũng chỉ mới làm dâu 4 năm mà cuộc đời thì dài lắm nên đang rất phân vân. Hãy giúp tôi nhé.

Vương Phi