Quốc hội giám sát và giám sát Quốc hội, đại biểu Quốc hội
(Dân trí) - Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, song trong một xã hội dân chủ, không có bất cứ quyền lực của tổ chức hay cá nhân nào không bị khống chế, giám sát...
Giám sát là một trong ba chức năng chính của Quốc hội cùng với chức năng xây dựng luật, quyết định những vấn đề trọng đại quốc gia. Câu hỏi đặt ra, đó là Quốc hội giám sát thì ai giám sát Quốc hội và đại biểu Quốc hội?
Đây chính là câu hỏi mà đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của UB Thường vụ Quốc hội đặt ra khi trả lời báo chí.
Trả lời câu hỏi “dường như hiện nay quy định pháp luật vẫn còn những kẽ hở dẫn đến việc chọn phải nhiều người không xứng đáng vào Quốc hội…. việc của ông Phạm Phú Quốc, nếu không có những thông tin được công bố trên báo chí nước ngoài thì một người không đủ tư cách sẽ cứ thế tiếp tục ngồi ghế đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm kỳ?”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói:
“Đúng là phải đặt ra vấn đề chọn người thế nào cho chuẩn hơn và ngay cả trong quá trình làm đại biểu rồi cũng cần phải thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu. Ví dụ như đánh giá theo định kỳ hàng năm, tương tự như quy trình đánh giá với cán bộ công chức. Nhưng hiện nay chưa có cơ chế nào để làm việc này”.
Đây là câu trả lời có yếu tố mới, phù hợp với thực tế và mang tính công bằng.
Nói nó mới bởi không biết với các quốc gia trên thế giới thế nào, song ở Việt Nam theo tôi biết, việc “giám sát và đánh giá đại biểu Quốc hội” chưa bao giờ được đặt ra hoặc ít nhất, chưa bao giờ được thực hiện.
Nói phù hợp với thực tế bởi đây là thời điểm “nhốt quyền lực – Lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng” đang được đặt ra một cách nghiêm túc.
Lịch sử cho thấy, “quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Trong một xã hội dân chủ mà Việt Nam đang hướng tới, không có bất cứ quyền lực của tổ chức hay cá nhân nào không bị khống chế, giám sát.
Tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp rất quan trọng là “kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.
Nói nó công bằng bởi Quốc hội với chức năng giám sát thì tại sao lại không có chiều ngược lại, đó là giám sát Quốc hội, đại biểu Quốc hội và lúc ấy, ai là người thực thi giám sát?
Về câu hỏi này, theo tôi trước hết, phải chịu sự giám sát của cử tri vì cử tri bầu ra đại biểu Quốc hội và Quốc hội. Thứ hai, do cơ chế đặc thù, Đảng lãnh đạo toàn diện nên Đảng có trách nhiệm giám sát toàn diện và thứ ba, đó là Quốc hội tự giám sát chính mình.
Trong đó, yếu tố thứ ba là quan trọng nhất, song có lẽ cũng là khâu còn yếu hiện nay bởi thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, trong số hơn 10 đại biểu bị bãi miễn, chưa có trường hợp nào do đại biểu Quốc hội hay các cơ quan của Quốc hội phát hiện ra.
Trở lại với bài phỏng vấn nói trên, ĐB Nguyễn Tuấn Anh cho rằng cần “đánh giá theo định kỳ hàng năm, tương tự như quy trình đánh giá với cán bộ công chức”.
Đây là ý kiến hay, song theo tôi, ngoài việc đánh giá từng đại biểu theo định kỳ hàng năm, Quốc hội nên dành thời lượng nhất định giữa nhiệm kỳ để tự “lấy phiếu tín nhiệm” chính mình thông qua các tổ chức chính trị xã hội tương tự như việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ.
Đành rằng “Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, song không vì thế mà không có sự giám sát bởi xin nhắc lại, “trong một xã hội dân chủ, không có bất cứ quyền lực của tổ chức hay cá nhân nào không bị khống chế, giám sát”.
Do đó, tất cả mọi quyền lực đều phải “nhốt vào lồng cơ chế, pháp luật” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở.