“Qui trình biết ơn ngược” và chuyện “khố rách - quần hồng”!

(Dân trí) - Ở các công ty nước ngoài, việc biết ơn được làm theo “qui trình ngược”, sếp luôn biết ơn, cám ơn và tặng quà nhân viên vì họ đã nỗ lực giúp sếp hoàn thành nhiệm vụ. Ở ta, cô bé hàng xóm kể được thưởng tết 5 triệu đồng, “đi” sếp trưởng 2 triệu, 2 sếp phó mỗi sếp 1 triệu, thế là còn triệu bạc...


(Ông Phạm Trọng Đạt: Người đứng đầu vi phạm thì phải xử lý nghiêm)

(Ông Phạm Trọng Đạt: "Người đứng đầu vi phạm thì phải xử lý nghiêm")

Quà biếu ngày tết vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa. Đây là dịp trò cảm ơn thầy, con cháu biết ơn ông bà, cha mẹ, người bệnh cám ơn thầy thuốc đã chữa trị cho mình và cả những người đã giúp đỡ trong sản xuất, kinh doanh.

Thế nhưng từ nhiều năm qua, quà tết đã biến tướng, trở thành một gánh nặng, thậm chí là hình thức hối lộ trá hình. Nên năm nào cũng vậy, cứ độ cuối năm, Chính phủ lại có văn bản cấm hiện tượng tiêu cực trong việc biếu xén, quà cáp này.

Năm nay, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo rất quyết liệt: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này”.

Những chỉ đạo của Thủ tướng là mạnh mẽ, cụ thể và “đích danh” khi Thủ tướng nói thẳng băng “Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành” đồng thời yêu cầu cần “thực hiện nghiêm việc này”.

Như vậy, có thể hiện tượng này năm nay sẽ giảm và nếu như ai đó vi phạm lệnh cấm của Thủ tướng, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm. Song, điều khó hiện nay là nằm ở khâu phát hiện.

Trả lời báo Dân trí, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) trông đợi vào sự phát hiện của người dân vì khó bắt được quả tang. “Người dân tố cáo, phản ánh càng nhiều càng tốt, mình có điều kiện nghiên cứu, thẩm định nhưng người dân tố cáo tới cơ quan chức năng thì còn phải làm theo luật. Có phải ăn trộm ăn cắp mà bắt quả tang được đâu”. Ông Đạt nói.

Ý kiến của ông Đạt rất chính xác bởi việc biếu xén (mà thực chất là hối lộ) đã được trá hình, núp danh “tình cảm” và cả “truyền thống dân tộc”.

Vì thế, một trong những phương án mà ông Đạt đưa ra là xử lý trách nhiệm người đứng đầu. “Người đứng đầu không tặng quà, nhận quà thì sẽ giải tỏa được cho cấp dưới. Cấp dưới quá thích chuyện đó chứ, bởi vừa mất công mất việc. Bỏ cái “lệ” đó đi thì người ta đồng tình ủng hộ ngay. Người đứng đầu vi phạm thì phải xử lý nghiêm”.

Cục trưởng Đạt còn cho biết: “Tới đây khi sửa Luật phòng chống tham nhũng phải đưa vào vấn đề này, xử lý bằng pháp luật chứ bây giờ chỉ xử lý bằng hành chính, chưa có xử lý bằng luật pháp cả. Ở nhiều nước việc nhận quà ngoài quy định sẽ bị đưa vào tội hối lộ ngay nên quan chức sợ. Ở mình chưa có chế tài nên tới đây làm luật phải đưa vào”.

Nói trắng ra, có cầu ắt có cung. Một khi sếp kiên quyết không nhận thì chẳng có ai dám biếu xén cả. Chỉ lo sếp thì không “ô văn kê” nhưng vợ sếp, con sếp, cả lái xe của sếp lại không… từ chối.

Cũng công bằng, không phải sếp nào cũng muốn nhận quà của nhân viên. Đã có không ít sếp nghiêm cấm nhân viên đến nhà ngày tết với lý do “cả năm cả tháng làm việc với nhau, tết dành cho gia đình, vợ con” nhưng hàm ý sâu xa là không muốn nhân viên vất vả chuyện quà cáp.

Họ cũng không muốn “làm ơn” để nhận “trả ơn” theo kiểu mua bán sòng phẳng.

Tóm lại, dù hành xử thế nào thì trong tâm lý người Việt, cấp dưới luôn phải biết ơn, mang ơn cấp trên. Nhân viên phải biết ơn, mang ơn thủ trưởng.

Thế nhưng ở các công ty nước ngoài, việc biết ơn được làm theo “qui trình ngược” với Việt Nam. Đó là sếp luôn biết ơn, cám ơn và tặng quà nhân viên vì họ đã nỗ lực giúp sếp hoàn thành nhiệm vụ.

Nhớ lại năm trước, cô bé hàng xóm kể được thưởng tết 5 triệu đồng, “đi” sếp trưởng 2 triệu, 2 sếp phó mỗi sếp 1 triệu, thế là còn triệu bạc. Buồn! Buồn cho nó thì ít mà buồn cho sếp nó thì nhiều...

Trở lại ý kiến của Cục trưởng Đạt, một khi có chế tài xử lý thông qua luật, coi đó như tội đưa và nhận hối lộ thì khi đó, chắc chắn việc “Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng” sẽ bớt đi rất nhiều, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám