1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tặng quà Tết không phải ăn trộm, ăn cắp nên khó “bắt quả tang”

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng việc tặng quà Tết trái quy định không phải ăn trộm, ăn cắp nên khó “bắt quả tang”. Việc người dân phản ánh qua đường dây nóng phải có quá trình xem xét để tránh việc lợi dụng, gây ảnh hưởng đến danh dự của người liên quan.


Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Ảnh: Thanh tra Chính phủ).

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Ảnh: Thanh tra Chính phủ).

- Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo “không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy”. Với trách nhiệm được giao, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện việc này như thế nào?

- Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị như vậy nên tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ gửi văn bản tới các bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt và yêu cầu gửi báo cáo kết quả vào sau Tết để chúng tôi tổng hợp. Đây là việc làm hàng năm vào mỗi dịp Tết rồi.

- Cục Chống tham nhũng vừa công bố hai số điện thoại đường dây nóng (080.48228 và 0902.386.999) tiếp nhận phản ánh của người dân về những tiêu cực, tham nhũng và tặng quà trái quy định dịp Tết 2017. Qua vài năm triển khai, các ông có đánh giá lại hiệu quả của các đường dây nóng này?

- Chúng tôi mở đường dây nóng để thu nhận tố cáo liên quan tới việc đó, để nghiên cứu, áp dụng biện pháp theo luật định. Chúng tôi trân trọng việc người dân phản ánh nhưng bây giờ đang lẫn lộn giữa thông tin phản ánh và yêu cầu phải giải quyết việc tố cáo, đơn tố cáo.

Người dân tố cáo, phản ánh càng nhiều càng tốt, mình có điều kiện nghiên cứu, thẩm định nhưng người dân tố cáo tới cơ quan chức năng thì còn phải làm theo luật. Có phải ăn trộm ăn cắp mà bắt quả tang được đâu. Việc giải quyết phải có quá trình xem xét, chứ không thể lợi dụng cái đó.

Người dân phát hiện, phản ánh thì mình sẽ có kiểm định lại, áp dụng theo quy định pháp luật nếu không dễ nhầm lẫn giữa tình cảm và biến tướng, ảnh hưởng đến danh dự, quy định pháp luật thì không được.

- Nhưng thực tế cho thấy việc phát hiện tiêu cực, tặng quà Tết trái quy định thông qua đường dây nóng của Thanh tra Chính phủ những năm qua rất ít. Ngoài ý thức tự giác thực hiện theo chỉ đạo thì còn có những cơ chế nào để kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tặng quà Tết trái quy định?

- Rất ít, rất ít, trong khi thực tế (việc tặng quà Tết trái quy định- PV) có thể vẫn diễn ra. Sau này phải nghiên cứu về cơ chế giám sát, người đứng đầu để xảy ra tình trạng đó chắc chắn phải xử lý cả về mặt luật pháp nữa thì mới hi vọng giảm đi chứ hiện nay quy định chưa rõ ràng, mới chỉ xử lý hành chính thôi.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo như vậy, thế thì phải xác định trách nhiệm người đứng đầu, phải có giám sát, gương mẫu chấp hành. Trên gương mẫu thì dưới phải chấp hành việc đó thôi.

Vấn đề giám sát có nhiều cơ chế, của người dân, mặt trận tổ quốc, đoàn thể nhưng vấn đề bây giờ là xác định trách nhiệm của người đứng đầu quan trọng nhất. Người đứng đầu không tặng quà, nhận quà thì sẽ giải tỏa được cho cấp dưới. Cấp dưới quá thích chuyện đó chứ, bởi vừa mất công mất việc. Bỏ cái “lệ” đó đi thì người ta đồng tình ủng hộ ngay.

Người đứng đầu vi phạm thì phải xử lý nghiêm. Tới đây khi sửa Luật phòng chống tham nhũng phải đưa vào vấn đề này, xử lý bằng pháp luật chứ bây giờ chỉ xử lý bằng hành chính, chưa có xử lý bằng luật pháp cả. Ở nhiều nước việc nhận quà ngoài quy định sẽ bị đưa vào tội hối lộ ngay nên quan chức sợ. Ở mình chưa có chế tài nên tới đây làm luật phải đưa vào.

Thủ tướng đã có chỉ thị rồi, người dân có thể giám sát, chính những cán bộ công chức cũng có thể phản ảnh nếu phát hiện được. Khi phát hiện được rõ ràng thì phải xử lý nghiêm.

Tôi cho rằng làm quyết liệt thì Tết này sẽ giảm nhiều đấy.

- Xin cảm ơn ông!

Tại phiên họp Chính phủ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì.

“Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”- người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ.

Thế Kha (thực hiện)