Quan giấu giàu và quan khoe của

(Dân trí) - Chỉ trong mấy tháng qua, thông tin, hình ảnh về các loại biệt thự, biệt phủ... của một số quan chức cấp tỉnh được đưa lên mặt báo khá nhiều: Từ Yên Bái, đến Thanh Hoá, Lào Cai... Đó là luôn là đề tài "nóng". Có lẽ, đã qua thời các quan chức phải giấu diếm tài sản của mình.

Quan giấu giàu và quan khoe của - 1

Người viết bài này có mối quen biết với một ông nguyên là Cục trưởng một Cục khá quan trọng của Nhà nước, cũng là nơi có thẩm quyền cấp phép về kinh doanh, đầu tư mà thường thì, những cơ quan như vậy, người lãnh đạo có cả quyền và tiền.

Thời còn đương chức, ông sống khá giản dị. Nhà cũng chỉ là nhà phố không lấy gì làm rộng lắm. Xe thì có xe công của cơ quan phục vụ. Cũng ít khi thấy ông chiêu đãi ai hay tiêu xài gì hoang phí.

Nhưng tới khi ông về hưu, chỉ mấy tháng sau đã khác hẳn. Ông xây một biệt thự lớn bên quận Long Biên, mua siêu xe, hàng ngày đi chơi golf... khác hẳn cuộc sống thời còn làm cục trưởng.

Thực ra nhiều năm trước đây, không chỉ có ông cục trưởng tôi quen mà khá nhiều quan chức, khi còn đương nhiệm, cũng rất cố gắng giữ gìn: Ở nhà công vụ, đi xe cơ quan... Có không nhiều lãnh đạo tỉnh ở những biệt thự lớn và đi xe sang, mặc dù không phải không có. Nhưng lúc đó, tài sản của cán bộ, quan chức nhà nước vẫn là đề tài mà giới báo chí ngại đụng chạm đến vì viết về chủ đề này khá rủi ro. Sai một chi tiết nhỏ thôi, có thể bị rút thẻ nhà báo như chơi.

Nhưng ngày nay đã khác. Nhất là mấy tháng gần đây, đã liên tục có những bài viết phản ánh về chuyện nhà cửa, tài sản của quan chức lãnh đạo một số địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.

Độc giả đã thấy hàng loạt bài viết về 6 lô biệt thự trên "đất vàng" của một số cán bộ, quan chức tỉnh Lào Cai; biệt thự của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ. Trước đó nữa là khu nhà vườn của ông Bùi Thanh Quyến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Mới đây nhất là những thông tin, hình ảnh phản ánh biệt thự của gia đình ông Phạm Sĩ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cũng đang tốn không ít "bút mực" của giới báo chí.

Ngay tại Hà Nội thôi, người dân một số khu vực biết rõ có những cụm biệt thự rất sang trọng, thậm chí tách biệt hẳn như một thế giới riêng mà đa số do những quan chức, cựu quan chức địa phương (về hưu) sở hữu.

Có những câu chuyện thực tế cho đến nay vẫn chưa ai khẳng định chính xác là thực ra, những nhà ở, biệt thự được cho là lớn, sang trọng... đó thì nguồn tiền của chủ nhân của chúng có gì bất minh hay không; các quan chức đó có sai phạm gì khi sở hữu như 6 lô biệt thự được cho là của một số quan chức tỉnh Lào Cai hay biệt thự của nhà ông Phạm Sĩ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái vẫn chưa cơ quan nào kiểm tra, khẳng định là có sai phạm, hay được xây từ nguồn thu nhập không chính đáng.

Nhưng cũng đã có những tài sản là nhà đất, biệt thự, căn hộ chung cư cao cấp của một số lãnh đạo, hay cựu lãnh đạo cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã được chứng minh là tài sản bất minh, thậm chí có người còn bị thu hồi. Ví dụ như ông Trần Văn Truyền cũng đã bị thu lại nhà công vụ. Ví dụ như biệt thự của ông Đặng Văn Ngọ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng đầu năm nay đã bị đình chỉ thi công vô thời hạn vì xây dựng không có giấy phép.

Vụ Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam- người đã bị khởi tố, kết án tù vì hành vi tham ô đã dùng tiền tham nhũng để mua 2 căn hộ chung cư đắt tiền nhất cho "bồ nhí" ở toà nhà 83 Lý Thường Kiệt, Hà Nội trước đây cho thấy, dư luận dị nghị về những khối tài sản lớn, bất minh của nhiều quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trong khi lương bổng của họ, nếu đúng theo thang, bảng lương của nhà nước sẽ không bao giờ mua nổi không phải không có lý.

Quan chức giấu tài sản khi đương chức hay quan chức không cần giấu diếm, đang lúc đương chức vẫn công khai thể hiện mình là tầng lớp có đời sống, thu nhập cao đó là sự lựa chọn của họ. Không phải không có những người có biệt thự lớn, căn hộ chung cư cao cấp một cách đàng hoàng bởi thực tế họ cũng có nguồn thu nhập chính đáng, có thể do thừa kế, có người do người nhà làm kinh doanh, có thu nhập cao.

Vấn đề là hiện nay, Nhà nước cũng đã có những cơ quan có trách nhiệm kiểm soát thu nhập, tài sản cán bộ, công chức Nhà nước như Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, có các quy định về kê khai tài sản thì các cơ quan này cần phải tăng cường kiểm soát, công khai hoá tài sản mà cán bộ, công chức Nhà nước nằm trong diện phải kê khai hàng năm phải báo cáo chính xác, đầy đủ.

Nhưng như hiện nay, theo báo cáo hàng năm của các cơ quan này công bố, số người vi phạm quy định về kê khai, công khai tài sản, kê khai không trung thực chỉ đếm trên đầu ngón tay đã cho thấy việc kiểm tra, phát hiện những bản kê khai thiếu trung thực đó là thiếu chặt chẽ.

Cho nên, mỗi khi trên báo, có một bản tin mới: Lại một biệt thự "khủng", một khu nhà xa hoa, căn hộ cao cấp... của một quan chức nào đó, phần nhiều lời bình luận của người dân sau bản tin, thường là những ý kiến cho rằng, đó là những tài sản có được một cách không minh bạch... thì cũng không thể trách là người dân suy nghĩ, đánh giá tiêu cực được.

Mạnh Quân