Qua một bức tâm thư

(Dân trí) - Bạn Nguyễn Trung Dũng, thi vào Học viện Ngoại giao đạt 9,5 điểm môn tiếng Anh, vừa gửi một bức tâm thư lên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, cho rằng đáp án đề thi môn tiếng Anh sai và mong chờ sự phản hồi từ Bộ trưởng.

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
 
Trong thư có đoạn: “Kính thưa Bộ trưởng, nếu Bộ khuyến khích sự góp ý và phản ánh từ mọi người, mọi tầng lớp về các vấn đề trong giáo dục, không loại trừ đề thi đại học, những học sinh như chúng em sẽ có được một môi trường giáo dục rất tích cực. Những học sinh như chúng em sẽ không chịu áp lực nặng nề vì tất cả tiếng nói của chúng em đều được lắng nghe”.

Một tân sinh viên tự tin, có kiến thức để phản biện lại đáp án thi đại học của Bộ GD - ĐT là rất đáng trân trọng. Chưa cần nói đến ai đúng, ai sai vì cần phải có kết luận của các nhà chuyên môn, chỉ xin bàn đến bản lĩnh của giới trẻ qua bức tâm thư này.

Học sinh Việt Nam được giáo dục theo hướng thụ động, áp đặt tư duy hơn là chủ động và khai thác tính độc lập, sáng tạo. Cho nên, phần lớn đều nghĩ rằng, cái gì sách đã viết là đúng, cấp trên nói là phải nghe, lãnh đạo nói là tuyệt đối không sai. Vì vậy, khi đối diện với những giá trị được mặc định như sách vở, lời giáo huấn, trong vụ này là đáp án của một đề thi, học sinh cứ thế mà “tuân mệnh”, ít có ai dám nghĩ đến việc tìm tòi, phát hiện cái sai trong những lời giáo huấn hay sách vở đó.

Hoài nghi khoa học là một  thái độ cần thiết để “phá hủy sáng tạo”. Không phá huỷ sáng tạo cũ làm sao có những sáng tạo mới, giá trị mới. Các bạn trẻ cần mạnh dạn hơn nữa trong việc phát biểu chính kiến của mình, không chỉ là chuyện đúng sai của một đáp án đề thi, mà là đáp án của nhiều “bài toán” khác trong xã hội.

Về chuyện bức tâm thư này, cũng có ý kiến cho rằng bạn Trung Dũng chơi trội, khoe kiến thức, tự đánh bóng mình. Xin đừng nói với bạn như thế, mà hãy động viên tinh thần phản biện của bạn. Còn nhớ chuyện cách đây khá lâu, một bạn trẻ trả lời phỏng vấn về ước mơ, bạn ấy nói ngay ước mơ trở thành thủ tướng. Thế là bạn ấy bị ném đá, cho rằng hỗn láo với bề trên. Chao ôi, người khác làm thủ tướng thì bạn trẻ ấy cũng có thể làm được, ít nhất là niềm mơ ước, tại sao lại không nhỉ? Còn với bạn Trung Dũng, tạo sao lại không có quyền chất vấn Bộ trưởng bằng một tâm thư nhỉ?

Trong bức tâm thư của bạn Nguyễn Trung Dũng, có một ý rất đáng để các nhà quản lý giáo dục lưu tâm, đó là sự lắng nghe tiếng nói từ học sinh, từ mọi tầng lớp trong xã hội của lãnh đạo Bộ GD - ĐT. Đã nhiều năm qua, có rất nhiều vấn đề bất cập trong lĩnh vực giáo dục, cộng đồng lên tiếng nói nhưng không có mấy việc được lắng nghe. Tồn tại trong giáo dục còn nhiều, chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống. Hãy nhìn lại những phản ánh đầy bức xúc của xã hội như chương trình học nặng nề, độc quyền sách giáo khoa, chạy trường chạy lớp, thu phí vô tội vạ ở các trường học, sẽ thấy hình như chưa có “bệnh” nào được chữa khỏi, chỉ có nặng thêm.

Đất nước này cần nhiều tâm thư và cần người có tâm đọc thư, phải không thưa các bạn?

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!