Phó Thủ tướng nói du khách sợ, du khách nói… tốt, rất tốt!

(Dân trí) - Nếu không “thay đổi não trạng cai trị” bằng “tư duy phục vụ” doanh nghiệp của Tổng cục Du lịch thì dù có khắc phục được tất cả 6 “nỗi sợ” của du khách, du lịch Việt Nam cũng không thể phát triển.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về chuyện khách du lịch giảm mạnh thời gian qua, ngành du lịch đang “tắc” hướng tháo gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra 6 nỗi sợ của du khách khi đến Việt Nam.

Thứ nhất, đó là nạn làm giá, chặt chém hoành hành. Thứ hai là nỗi sợ về an toàn giao thông. Thứ ba là tình trạng ăn xin và ăn cắp vặt, nhất là những người giả ăn xin và có cảnh thê lương đến mức làm người ta thấy ám ảnh. Thứ tư là vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ năm là vệ sinh môi trường và cuối cùng người Việt ta tuy cơ bản rất mến khách nhưng cũng có những nơi, có người không thể hiện sự tôn trọng khách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra rất chính xác các nguyên nhân khiến du khách đến Việt Nam trong thời gian qua giảm mạnh và nói như thế mới đúng với thực tế bởi Việt Nam được coi là đất nước giàu danh lam, thắng cảnh nhưng ngành du lịch vẫn bê bết ở nhóm cuối trong các nước ASEAN.

Thế nhưng có một ngành không nghĩ vậy, đó lại chính là ngành du lịch hay nói cụ thể hơn, Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Bằng chứng là mới đây, Tổng cục Du lịch công bố một kết quả khảo sát cho thấy hơn 94% du khách quốc tế khen du lịch Việt Nam “tốt” và “rất tốt”, chỉ có 0,22% nhận xét “kém” và “rất kém” khiến nhiều chuyên gia trong ngành cũng phải "giật mình".
Ơ! Lạ thế! Phó Thủ tướng phụ trách trực tiếp thì bảo có đến 6 điểm yếu kém, hay là 6 nỗi sợ của du khách khi đến Việt Nam thì Tổng cục Du lịch lại cho rằng có đến 94% khen từ tốt đến… rất tốt.
Hay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhầm? Nhưng không, ông Đam không nhầm bởi du khách đến Việt Nam liên tục giảm và cái con số giảm 7,4% so với cùng kỳ (tháng tư) năm ngoái nó nói lên tất cả.
Nói trắng ra, 94% tốt và rất tốt là con số hoang tưởng, bịa đặt. Nếu 94% du khách hài lòng, có lẽ Việt Nam hơn cả các cường quốc du lịch không chỉ ở Đông Nam Á mà cả thế giới lâu rồi.
Nói trắng ra, nó là con số 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ trong báo cáo của Bộ Nội vụ. Nó là con số mà dân gian nói “Đồ Sơn không có mại dâm – Quất Lâm không có nhà thổ”.
Có lẽ đây chính là “nỗi sợ thứ 7” của du khách đối với ngành Du lịch Việt Nam, cái nỗi sợ mang tên “không muốn biết mình là ai”.

Cuối tháng 5 (27/5) vừa qua, BLOG Dân trí đăng tải bài viết “Du lịch Việt Nam chưa chiến thắng đã ngủ quên” của tác giả Lê Chân Nhân. Ngay sau đó, một bạn đọc có tên là Kim Dung - (e-mail: kimdungvuhanoi@gmail.com) đã gửi thư điện tử (comment) về cho chúng tôi nguyên văn:

Tôi làm trong ngành du lịch nên thấy buồn lắm với các bác Tổng cục Du lịch (TCDL). Thử làm một khảo sát nhỏ thôi, gặp vài công ty du lịch có giấy phép Lữ hành quốc tế xem bao nhiêu công ty nhận được các thông tin từ Tổng cục Du lịch? Xem bao nhiêu công ty du lịch quan tâm đến các bác TCDL làm gì? Hay họ toàn tự làm hết.

Tôi đi đến thăm các công ty du lịch nước ngoài, còn gặp các cơ quan du lịch của các nước khác đến tận nơi thăm công ty và giới thiệu về sản phẩm của họ. Còn Việt Nam thì sao? TCDL đã có được bài giới thiệu ấn tượng chính thống để cho các doanh nghiệp sử dụng và giới thiệu cho khách hàng?

TCDL tham gia được bao nhiêu hội chợ, cách thức mời doanh nghiệp tham gia cùng, bao nhiêu doanh nghiệp biết được TCDL sẽ tham gia và tham gia như nào để đăng ký? Và thời gian trước khi hội chợ là bao lâu hay cứ đến sát ngày mới làm?

Nếu hỏi bạn nào đó xem các bác tổ chức họp báo ở London tại hội chợ WTM thì mới thấy mức độ chuyên nghiệp của ta đến đâu, kể cả người phiên dịch cũng còn rất nhiều điều phải bàn và thay đổi…”.

Nói như ý của “người trong cuộc” Kim Dung, nếu không “thay đổi não trạng cai trị” bằng “tư duy phục vụ” doanh nghiệp của Tổng cục Du lịch thì dù có khắc phục được tất cả 6 “nỗi sợ” của du khách, du lịch Việt Nam cũng không thể phát triển.

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!