"Cần xử phạt, cấm sóng ca khúc dung tục của Chị Cả"
(Dân trí) - Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ca từ bản rap "Censored" của Chị Cả - thí sinh King of Rap là "đỉnh điểm của sự vô văn hóa, lệch lạc về đạo đức". Ngoài "Censored", nhiều ca khúc cũng bị chỉ trích.
"Nhạc rác" dung tục gây phẫn nộ
#muachoconchieccongtay (Mua cho con chiếc còng tay - PV) là gợi ý xu hướng nội dung nổi bật trên Tiktok trong những ngày qua, thu hút gần 1 triệu lượt xem từ các video. Đây là một đoạn lời trong ca khúc Censored của Chị Cả - thí sinh King of Rap được phát hành năm 2018. Nay ca khúc được nhiều tài khoản sử dụng làm nhạc nền cho video đăng trên Tiktok.
Censored đang gây tranh cãi ở giới chuyên môn lẫn khán giả. Bài rap gây phẫn nộ vì nội dung bị cho là dung tục, có ca từ về quan hệ loạn luân giữa bố chồng - con dâu.
Ngoài Censored nhiều ca khúc được phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội trong nước thời gian qua cũng bị chỉ trích như: MV Cypher nhà làm do Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành, nói về việc tán tỉnh, quan hệ tình dục. Ca khúc Mẩy thật mẩy của BigDaddy có phần lời bị nhiều khán giả cho là ám chỉ cơ thể phụ nữ. Màn rap diss (công kích đối thủ) giữa Rhymastic và Torai9 cũng bị lên án: "Âm nhạc còn trở thành công cụ để mạt sát, thóa mạ lẫn nhau". MV Cắm sừng ai đừng cắm sừng em của Phí Phương Anh nhận nhiều bình luận về từ ngữ nhảm nhí, dung tục.
Nhóm Rap Nhà Làm cũng gây phẫn nộ khi sáng tác bản rap Thích Ca Mâu Chí, sử dụng một sự tích về Đức Phật để chế lại theo nghĩa dung tục…
Trước hiện tượng trên, NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho rằng những sáng tác có ca từ phản cảm, tồi tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một thế hệ mới. "Lời hát đó còn không được phát ngôn từ miệng của những người bình thường chúng ta nói chuyện với nhau ở quán cafe, huống hồ nó lại lên kênh đại chúng, chúng ta không lường trước được chuyện gì xảy ra cho những thế hệ tiếp theo của chúng ta", NSƯT Tấn Minh nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng khẳng định, ngôn từ nhạy cảm, dung tục sẽ gây ảnh hưởng lớn tới giới trẻ - đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Theo Independent, TikTok là nền tảng truyền thông xã hội được giới trẻ yêu thích khi những người từ 16-24 tuổi chiếm 60% tổng số người dùng.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, "nhạc rác" xuất hiện nhiều như hiện nay là do kẽ hở từ khâu kiểm duyệt, phát hành và sự phát triển bùng nổ của các mạng xã hội.
"Cần xử phạt, cấm sóng những ca khúc dung tục"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ khi nghe ca từ của Censored: "mua cho con cái còng tay, ôm con dâu vào phòng bay..." đối với anh đưa những ca từ đó vào là "sự sỉ nhục về âm nhạc". Nam nhạc sĩ cho rằng, Censored và những ca khúc có ca từ phản cảm sẽ ảnh hưởng xấu tới các ca sĩ trẻ cũng như khán giả trẻ chưa có nhận thức đúng sai.
"Ca từ bản rap Censored là đỉnh điểm của sự vô văn hóa, lệch lạc về đạo đức. Khi nghe, tôi cảm thấy giống như sự sỉ nhục về âm nhạc. Tôi hoạt động trong âm nhạc. Âm nhạc đối với tôi rất thiêng liêng, giống như thánh đường, nơi tôn vinh cái đẹp, những giá trị đẹp, lan tỏa điều đó, đến với khán giả, lưu giữ những nét đẹp truyền thống, tình người, xã hội.
Những ca từ kia đưa vào nhạc là sự sỉ nhục.
Một số bạn cho mình là rapper hay giới underground cho rằng mình viết những ca từ trần trụi, gai góc để diễn tả những mặt tối của xã hội. Tôi đồng ý là cùng một vấn đề, mình có thể miêu tả vấn đề đó bằng nhiều góc cạnh khác nhau, bằng nhiều từ ngữ khác nhau: có từ ngữ tượng trưng, có từ ngữ mang tính tích cực, từ ngữ mang tính tiêu cực.
Tuy nhiên, các bạn đã quá lạm dụng, đi sai hướng, gắn ghép cả quan điểm lệch lạc vào những câu từ thô tục vào vấn đề đó và cho thế là… gai góc. Thế là không đúng!
Mình có thể nhìn nhận ở khía cạnh tiêu cực, nhưng sử dụng ngôn ngữ bình dân hơn, không được thô tục, không gợi suy nghĩ lệch lạc.
Tôi nghĩ những ca khúc như này ảnh hưởng rất tiêu cực tới lớp trẻ bởi vì các bạn truyền bá những tư tưởng, quan điểm sống lệch lạc, mang tính chất coi thường xã hội, coi thường pháp luật. Những thanh thiếu niên, những bạn mới lớn sẽ coi những ca khúc đó là phương châm sống hay thể hiện cá tính của bản thân dù nhận thức còn chưa đúng, chưa rõ ràng. Những ca khúc trên có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ.
Để hạn chế những ca khúc dung tục, tôi nghĩ cần sự chung tay của nhiều bên. Một mặt, khán giả lên án, mặt khác là các cơ quan quản lý về văn hóa, biểu diễn nghệ thuật phải có những biện pháp cứng rắn, răn đe, xử lý một cách triệt để những trường hợp này để làm gương.
Nếu các cơ quan quản lý không lên tiếng, không có biện pháp cứng rắn mà trông chờ vào phản hồi của nghệ sĩ chính thống, khán giả thì giống như không có biện pháp răn đe nào cả. Mới đây, bị sức ép từ khán giả nhiều quá, truyền hình lên tiếng, họ mới lên tiếng nhận sai, xin lỗi…
Theo tôi, phải xử phạt, cấm biểu diễn với những trường hợp đang gắn mác sản phẩm âm nhạc nhưng lan truyền nội dung không phù hợp", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thẳng thắn nói.