Phải chịu trách nhiệm nếu tiến cử nhân sự không đúng

(Dân trí) - “Người theo dõi nhân sự của tỉnh nào, họ phải có trách nhiệm về việc theo dõi nhân sự được giới thiệu vào Trung ương và Bộ Chính trị trước toàn Đảng. Nếu chọn sai, thì tổ chức, cá nhân theo dõi, kể cả khi đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về nhân sự ấy”.

 

Phải chịu trách nhiệm nếu tiến cử nhân sự không đúng - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một đoàn tàu muốn vận hành tốt phải có ít nhất ba yếu tố: Đường ray tốt, đầu tầu tốt và tài xế tốt. Nếu thiếu chỉ một trong ba yếu tố cơ bản trên, khó có thể có có một hành trình suôn sẻ.

Một xã hội muốn phát triển cũng tương tự.

Chính vì vậy, trong những ý kiến đóng góp cho Dự thảo báo cáo Đại hội XII, rất nhiều ý kiến đã đề cập đến một vấn đề cực kỳ quan trọng là công tác cán bộ, những người chèo lái con thuyền mang tên Đất nước.

Tại hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc đã khẳng định quyết tâm: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”.

Đây là bản tổng kết đầy đủ, chi tiết và cụ thể những đối tượng không được bầu vào vị trí lãnh đạo cao cấp của Đảng.

Song, làm thế nào để có thể phát hiện, loại bỏ được từ đầu các cá nhân có những biểu hiện tiêu cực trên? Đây là câu hỏi không dễ.

Trong những ý kiến đóng góp về vấn đề này, quan điểm của ông Phạm Thế Duyệt, Nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực bộ Chính trị rất đáng quan tâm.

Trên báo VOV ngày 8/10, bài “Ngăn chặn cán bộ chạy chọt vào Trung ương bằng cách nào?” vị nguyên Chủ tịch UB TW MTTQ Việt Nam bày tỏ:

“Về trách nhiệm lựa chọn Trung ương giới thiệu và Bộ Chính trị, tôi muốn đề xuất đối với cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ngoài người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm, còn có tổ chức, cá nhân cấp trên chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, người theo dõi nhân sự của tỉnh nào, họ phải có trách nhiệm về việc theo dõi nhân sự được giới thiệu vào Trung ương và Bộ Chính trị trước toàn Đảng.

Nếu chọn sai thì tổ chức, cá nhân theo dõi, kể cả khi đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về nhân sự ấy. Như thế công tác nhân sự mới nghiêm, không đi vào con đường chạy chọt, đổ trách nhiệm cho dưới”.

Đây là một ý kiến rất xác đáng của một nhà tổ chức lão luyện.

Trong lịch sử nhân loại cũng như lịch sử Việt Nam, các ông vua sáng đều có những chính sách rất chặt chẽ, minh bạch và “sòng phẳng” trong khâu đề bạt, tiến cử.

Nếu ai tìm được người đức tài, sẽ được trọng thưởng hậu hĩnh. Ngược lại, nếu tiến cử nhầm người, sẽ phải trả giá thích đáng, nhiều khi bằng mạng sống của mình.

Trở lại với ý kiến của ông Phạm Thế Duyệt, cơ chế tổ chức của ta tất cả đều bắt đầu từ cơ sở. Một khi cơ sở làm chặt chẽ khâu này, chắc chắn sẽ giới thiệu cho cấp trên những người đủ tài, đủ đức. Nếu ngược lại, sẽ là “trao trứng cho ác” và khi đó, Đảng phải gánh chịu, đất nước phải gánh chịu.

Thế mà hình như cho đến nay, chúng ta chưa có cơ chế thưởng phạt cho khâu này.

 

Bùi Hoàng Tám