Ông Phó sở Xây dựng Hà Nội nói như… đúng rồi!

(Dân trí) - Và quan trọng, ai phải chịu trách nhiệm về việc này? Thiết kế, thi công hay giám sát? Đặc biệt là đã nghiệm thu hay chưa? Nếu đã nghiệm thu thì tại sao công trình như vậy lại được nghiệm thu?

Ông Phó sở Xây dựng Hà Nội nói như… đúng rồi! - 1

Chủ trương sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường mang tính thống nhất mà cụ thể là lát lại vỉa hè bằng đá, thay bằng gạch như trước đây đã nhận được nhiều phản hồi từ dư luận.

Một số ý kiến cho rằng lát vỉa hè bằng đá là không phù hợp, mặt đường trơn dễ ngã. Một số khác cho rằng việc thống nhất cùng một loại vật liệu (đá), tạo sự đơn độc, nhàm chán về thẩm mỹ. Một số khác lại cho rằng quá lãng phí vì vỉa hè gạch nhiều nơi còn tốt…

Có thể, những ý kiến phản đối từ dư luận không (hoặc chưa) đúng thì việc thay thế vỉa hè cho hơn 930 tuyến phố theo dự định đã và đang được tiến hành.

Việc đúng sai thế nào chờ thời gian kiểm chứng, song về chất lượng của các tuyến đường trên thì ôi thôi, khó mà “cưỡng” được bức xúc bởi sự xuống cấp trầm trọng đang hiện hiện ngay trước mắt.

Trái với “tuyên bố hùng hồn” về độ “bền vững 70 năm”, nhiều tuyến vỉa hè mới đi vào sử dụng một thời gian ngắn, trên dưới một năm đã vỡ nát một cách thê thảm.

Theo điều tra của phóng viên Dân trí, các tuyến đường Nguyễn Trãi, Trung Kính, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Du, Quang Trung, Bà Triệu... được lát loại đá tự nhiên, thay thế vật liệu gạch trước đây nhiều nơi bong tróc, vỡ vụn.

Ngay cả vỉa hè phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), nơi được chọn là tuyến phố kiểu mẫu, sau đó nhân rộng cho nhiều tuyến phố khác trên địa bàn 12 quận cũng lâm vào cảnh này.

Điều “bất ngờ” là tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 21/11, ông Trần Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã giải thích rất… đúng rồi:

“Do dưới lớp đá lát tự nhiên là lớp bê tông, nhiều khi lớp bê tông còn liên quan tới trạm điện, gốc cây trên vỉa hè. Chính điều đó đã ảnh hưởng tới chất lượng lớp đá. Chất lượng lát đá vỉa hè có đảm bảo hay không thì phụ thuộc vào lớp bê tông này”, ông Trung lý giải.

Ui, trả lời kiểu như thế này thì ai chả biết bởi các cụ đã dạy “dao sắc không bằng chắc kê”, cái nhà muốn vững thì nền móng phải vững chắc. Dù là “rắn như đá” nhưng cái lớp bê tông tạo móng mà không chắc thì việc không sụt lún, vỡ vụn mới là chuyện lạ. Còn “liên quan tới trạm điện, gốc cây” thì phải có phương án xử lý chứ nhỉ? Tóm lại, làm thế nào để đảm bảo chất lượng là việc của các ông.

Câu hỏi cần được làm rõ là tại sao lớp bê tông nền lại không đảm bảo chất lượng? Nó có đảm bảo đủ độ dày cần thiết hay không? Mác (độ cứng) bê tông có đảm bảo chất lượng không? Nếu không đủ thì do đâu, thi công hay thiết kế?

Về đá lát, cũng tương tự, có đủ độ dày và có đúng chủng loại không?... Có bị “ăn bớt”, 10 cm còn 7-8 cm chẳng hạn, hay không?

Và quan trọng, ai phải chịu trách nhiệm về việc này? Thiết kế, thi công hay giám sát? Đặc biệt là đã nghiệm thu hay chưa? Nếu đã nghiệm thu thì tại sao công trình như vậy lại được nghiệm thu?

Một điều cũng rất “bí mật”, đó là trước câu hỏi thành phố chi bao nhiêu tiền cho việc lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng từ chối trả lời và cho biết “xin phép về tập hợp lại và sẽ thông tin sau”.

Mong rằng Sở Xây dựng Hà Nội sẽ nhanh chóng “tập hợp lại và sẽ thông tin” sớm bởi dù chưa có con số chính thức, nhưng chắc chắn đây là khoản tiền lớn, người dân cần được biết.

Nhất là phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan để không còn lặp lại việc chưa làm đã hỏng rồi vì “đòi được vạ thì má đã sưng”…

Và cũng tránh cách trả lời “đúng rồi” kiểu “trâu ăn cỏ, sông chảy ra biển”….

Bùi Hoàng Tám