Ông Nhà văn, cái chuồng gà và chuyện không “lông gà, lông vịt”
(Dân trí) - Chỉ thương ông nhà văn, khổ, người ta xây cả biệt thự, cả những tòa nhà chọc trời và bán cả đất cho người nước ngoài như ở Đà Nẵng thì chả sao, mình xây cái chuồng nuôi gà bị hành lên hành xuống.
Trước hết, xin nói đôi nét về ông Nhà văn Hoàng Quảng Uyên, tên khai sinh là Hoàng Dương Quý.
Nhà văn, Nhà báo Hoàng Quảng Uyên người dân tộc Tày, quê ở Pác Cam, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng. Có lẽ do đó mà Hoàng Dương Quý lấy cho mình bút danh là Hoàng Quảng Uyên để thể hiện tình yêu, sự gắn bó với mảnh đất nơi biên cương này.
Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, nhiều năm làm báo Lao động, ông đã từng nhận nhiều giải thưởng văn chương, báo chí.
Hơn 20 năm cầm bút, ông đã cho ra đời gần một chục tập sách thuộc nhiều thể loại như truyện, ký, bút ký, phóng sự, khảo cứu văn học và cả một tập thơ chưa xuất bản, trong đó, nhiều tác phẩm viết vè mảnh đất quê hương Cao Bằng.
Tóm lại, ông cũng là Nhà văn, Nhà báo khá nổi tiếng trong làng văn chương, báo chí Việt Nam.
Giờ thì nói đến chuyện xây chuồng gà.
Giữa tháng 4/2016, không biết có phải lo không bắt được gà đãi khách văn chương như câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến thủa nào, “Vườn rộng, rào thưa khó đuổi gà” mà ông Nhà văn xứ “gạo trắng nước trong” này quyết chí xây một hàng gạch cao 25 cm trên thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để từ đó, xây chuồng gà thì bị ông Lê Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Sông Bằng, TP Cao Bằng dẫn cán bộ đến lập biên bản “không được tiếp tục thi công” vì không có giấy phép xây dựng!
Trước tình hình này, ông Nhà văn “tiện thể” làm đơn xin cấp giấy phép xây dựng một chuồng gà chiều rộng 0,8 m, dài 1,25 m, cao 0,5 m, sâu 0,25 m, tổng diện tích sàn là 2m2, mái lợp bằng lá cọ.
Tất nhiên, cả hai việc trên đều không được chấp nhận, như lời ông Chủ tịch phường Sông Bằng “chỉ 1 viên gạch có vữa cũng phải xin phép”.
Có một chi tiết rất “vui”, đó là hồ sơ cái chuồng gà rộng 2 m2 lợp bằng lá cọ đã “chu du” qua nhiều cơ quan, ban ngành như Phòng Quản lý đô thị, Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải… tỉnh Cao Bằng.
Sau một quá trình khảo sát, so sánh đối chiếu pháp luật, Phòng Quản lý đô thị, Sở Xây dựng, Sở GTVT tỉnh Cao Bằng thống nhất trả lời hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng của ông Hoàng Dương Quý là không đủ điều kiện theo quy định hiện hành.
Bức xúc, ông Nhà văn Hoàng Quảng Uyên bày tỏ: “Ông chủ tịch phường Sông Bằng bắt tôi phải xin giấy phép khi xây chuồng gà nhưng cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lại không cấp phép vì không tìm thấy trong các điều luật có hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy phép xây dựng chuồng gà tức là “không đủ điều kiện”. Lối hành xử này buộc tôi không được xây dựng bất cứ “công trình” gì trên thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính tôi. Nếu tôi “cố tình” xây chuồng gà thì ông Lê Hồng Hà lại đến “lập biên bản”. Và kết quả là trải quá một loạt các thủ tục hành chính, đến giờ tôi đã bị cấm, không thể xây dựng được một cái chuồng gà trên mảnh đất của mình”.
Câu chuyện xây cái chuồng gà là nhỏ, rất nhỏ. Nói theo ngôn ngữ dân gian, nó là chuyện “lông gà, lông vịt”. Thế nhưng về bản chất sự việc, nó không hề nhỏ mà cũng không phải là chuyện “lông gà, lông vịt”.
Ở đây, nó thể hiện 3 điều.
Thứ nhất, sự bất cập trong các qui định của pháp luật mà cụ thể trong trường hợp “cấp phép chuồng gà” này thiếu rõ ràng, minh bạch khiến “xử thế nào cùng được”, cho làm thì không sao nhưng không cho làm cũng phải chịu. Sự “mập mờ” này đã vô tình trao vào tay những người thực thi một quyền lực vô biên “Bắt phong trần phải phong trần – Cho thanh cao mới được phần thanh cao – Kiều”. Từ đó, sinh ra “những ông vua con” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thứ hai, nó là sự sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm đến mức không ai dám quyết, dù chỉ là cái chuồng gà có 2 m2, lợp mái lá cọ.
Thứ ba thì không thể không khen ngợi sự…”mẫn cán” của một số cán bộ công chức trong vụ việc này bởi sự nghiêm minh đến mức “đặt một viên gạch có vữa cũng phải xin phép” và có lẽ ở Cao Bằng, trật tự đô thị tuyệt vời lắm lắm.
Nên chăng, Hà Nội và nhiều thành phố khác cũng nên lên Cao Bằng học tập bởi nếu “mẫn cán” như trường hợp này thì những tòa nhà số 8 Lê Trực, biệt thự ở Ba Vì hay vụ việc xây nhà trái phép trên đất trái phép ở 146 Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) chắc chắn sẽ không xảy ra.
Chỉ thương ông nhà văn, khổ, người ta xây cả biệt thự, cả những tòa nhà chọc trời và bán cả đất cho người nước ngoài như ở Đà Nẵng thì chả sao, mình xây cái chuồng nuôi gà bị hành lên hành xuống.
Bùi Hoàng Tám