Nụ cười đang dần trở lại trên mảnh đất đau thương!
(Dân trí) - Đã gần 3 tháng trôi qua, vụ sạt lở tại xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Nước mắt vẫn còn rơi nhưng nụ cười cũng đã dần trở lại với miền đất thương đau này.
Nhìn lại những tổn thất mà người dân Nam Trà My phải gánh chịu trong đợt mưa bão ngày 28/10/2020, không khỏi giật mình. 18 người chết, 14 người mất tích, 33 người bị thương. Trong đó, xã Trà Leng có 10 người chết, 13 người mất tích, 11 người bị thương. Xã Trà Mai có 1 người mất tích, xã Trà Vân có 8 người chết… Ngoài ra, huyện có 95 nhà bị sụp đổ, vùi lấp, nước cuốn trôi. Thiệt hại ước tính gần 1.300 tỉ đồng.
Đây là những tổn thất vô cùng to lớn về người và của. Song, cũng từ nơi này, tình yêu thương, sẻ chia của cộng đồng được lan tỏa cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ý chí kiên cường của người dân, sự sống đang hồi sinh, nụ cười đã trở lại, người dân đang chờ đón một cái tết trong những ngôi nhà kiên cố ở địa điểm mới, khá an toàn.
Nhớ lại ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đặt ra 3 yêu cầu, một là bằng mọi giá tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở Trà Leng. Thứ 2 là chăm lo đời sống cho bà con, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men. Thứ 3 là từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2021, bằng mọi giá phải khảo sát, tìm kiếm mặt bằng dựng lại nhà an toàn, tái định cư để bà con đón Tết.
Và cách đây 25 ngày (22/12), huyện Nam Trà My đã tổ chức lễ khởi công khu tái định cư cho đồng bào trên bãi đất an toàn với diện tích 6ha tại thôn 2, xã Trà Dơn, nằm cách UBND xã Trà Leng khoảng 800 mét. Khu vực tái định cư này sẽ phân 80 lô đất, mỗi lô có diện tích 200 mét vuông.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trước mắt huyện hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 51 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 (xã Trà Leng) đến tái định cư với mức 150 triệu/1 hộ từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn ủng hộ của mạnh thường quân cả nước.
Hiện nay, hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh như điện, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa, đường giao thông liên gia để bà con sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai cũng đang đi vào hoàn thiện.
Theo phản ánh của PV Dân trí, những ngày này, tràn ngập trên công trình là một không khí hối hả. Bất chấp thời tiết giá rét, mưa phùn của miền núi Trà Leng, công trình xây dựng rất nhộn nhịp, tiếng cười nói của công nhân, âm thanh xây dựng... vang cả một góc rừng.
Thế nên chỉ sau hơn 2 tuần thi công, nhiều ngôi nhà đã dựng xong tường và đang tiến hành lắp đặt xà-gồ để lợp tôn. Nhiều nhà đã xây xong phần tường, nhiều nhà đang đổ trụ bê tông, nhiều ngôi nhà khác đang đào móng…
Anh Hồ Văn Lợi nghẹn ngào: "Vợ con mất tích mình buồn lắm, nhưng được nhà nước quan tâm bố trí đất tái định cư và làm lại nhà, mình cũng yên tâm phần nào. Hy vọng đến Tết này, mình cùng 2 đứa con nhỏ có nhà mới để ở".
Ông Hồ Văn Đề (85 tuổi) có 8 người con, cháu bị chết và mất tích trong vụ sạt lở cũng đã nhận đất tái định cư và ngôi nhà của ông cũng đang được gấp rút xây dựng. Hàng ngày, ông vẫn ra nơi bị sạt lở chờ mong những người con, cháu bị mất tích của ông "trở về".
"Tôi có 8 người con, cháu bị chết và mất tích, buồn lắm. Nhà cửa bị trôi hết rồi, giờ nhà nước đang làm lại nhà cho tôi, mong là đến Tết này sẽ có nhà mới. Buồn thì buồn nhưng tôi cũng vui vì nhà nước quan tâm, giúp đỡ để làm lại cái nhà", ông Đề bày tỏ…
Xin ghi nhận những nỗ lực của chính quyền Quảng Nam, cảm ơn tinh thần lao động với tốc độ "thần tốc" của công nhân trên công trình này và một lần nữa, xin được chia sẻ với những đau thương, mất mát của bà con Trà Leng.
Trong buồn thương, vẫn có một niềm vui nho nhỏ khi ngôi làng mới đang dần mọc lên trên mảnh đất đau thương này. Nỗi đau dù lớn mấy, qua thời gian sẽ dần nguôi ngoai. Cuộc sống rồi sẽ dần dần ổn định và giờ đây, trên mảnh đất Trà Leng đau thương, nụ cười đã dần trở lại.
Sự sống đang dần hồi sinh. Rừng cây đang dần xanh lá. Mùa xuân mới đang về trên đất Trà Leng!