"Nỗi oan" của Bộ trưởng

Bích Diệp

(Dân trí) - Câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trước Quốc hội đã khiến một cử tri như tôi phần nào nhận ra vì sao "căn bệnh" của nông sản Việt chữa mãi mà chưa khỏi.

Đến hẹn lại lên, năm nào cũng diễn ra tình trạng ùn ứ nông sản. Lâu nay, chúng ta vẫn đề cập giải pháp căn cơ là phải thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch tuy nhiên thực tế chưa cải thiện được. "Khi nào vấn đề này được giải quyết?".

Đây là câu truy vấn của đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên chất vấn trên hội trường Quốc hội mới đây. Tôi không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu đại biểu Tám đặt ra câu hỏi này cho các lãnh đạo ngành, nhưng sau nhiều năm, nhiều kỳ Quốc hội, câu hỏi của ông vẫn còn nguyên tính thời sự.

Bản thân từng là một phóng viên nghị trường, theo dõi nhiều kỳ họp và nhiều phiên chất vấn, tôi cũng phải thú thật: Chính bởi tính "lịch sử" của vấn đề, tựa như một căn bệnh qua tay nhiều bác sĩ mà vẫn chưa thuyên giảm, vậy nên tôi không đặt nhiều kỳ vọng về việc sẽ có đột phá trong câu trả lời của Bộ trưởng Diên.

Vậy nhưng, những điều mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói trước Quốc hội khi đáp lại câu truy vấn của đại biểu Tô Văn Tám đã khiến một cử tri như tôi phần nào nhận thấy vì sao mà "căn bệnh" của nông sản Việt chữa mãi chưa khỏi.

Nỗi oan của Bộ trưởng - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: QH).

Thứ nhất, Bộ trưởng Diên chỉ ra, sản phẩm nông sản nếu đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường đó thì xuất qua được cả đường biển, đường sắt, đường hàng không… Nhưng thực tế nhiều nơi không muốn làm theo tiêu chuẩn đó hoặc không làm được nên khó khăn khi xuất khẩu.

Ông Diên cũng nhắc lại chuyện nhiều lần Bộ đã khuyến nghị các vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.

"Nếu cách làm cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động", Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, vừa qua Bộ rất chia sẻ với bà con nông dân và dù không phải trách nhiệm chính của Bộ Công Thương nhưng Bộ này đã "rất nỗ lực thông quan ở biên giới".

Tóm lại, lỗi hàng hóa không thông quan được có nguyên nhân nằm ở chất lượng hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn.

Thứ hai, trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, Bộ trưởng nói, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định, nhưng "hàng không đi được là do chúng ta". Đồng thời, ông cắt nghĩa "chúng ta" là tất cả từ bộ ngành, địa phương đến người dân.

"Việc đặt ra ngành công thương cũng đang phải giải quyết nhưng thực sự chúng tôi cũng bị oan uổng", Bộ trưởng Diên giãi bày với đại biểu.

Trách nhiệm không thuộc về Bộ Công Thương mà thuộc về "chúng ta", còn chúng ta cụ thể là những ai, ai có thể đứng ra nhận trách nhiệm thì cử tri… không thấy (?!).

Nói cho sòng phẳng thì trong vấn đề này, không thể nói ngành công thương không có trách nhiệm. Chữ "thương" trong "công thương" chính là thương mại. Việc phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản (cả nội địa lẫn xuất khẩu) nếu không phải là nhiệm vụ của ngành công thương thì của ai?

Tuy nhiên, tôi hiểu cái khó của cá nhân Bộ trưởng Diên và có phần thông cảm với sự "oan uổng" của ông. Vốn dĩ chuyện "được mùa mất giá, được giá mất mùa", rồi ùn ứ nông sản ở cửa khẩu đã tồn tại từ lâu và mang tính "hệ lụy nhiệm kỳ". Rất khó để ngày một ngày hai thay đổi một vấn đề đã ăn sâu, thành nếp trong thực tế sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khi phân tích nguyên nhân của tình trạng ùn tắc cũng chỉ ra: " Chúng ta mắc chứng hay quên ", vì khi giải phóng được hàng thì những câu hỏi về đa dạng hóa thị trường, về xuất khẩu theo đường chính ngạch, về phát triển thị trường 100 triệu dân ngay trong nước… lại trôi đi mất.

Theo ông Hoan, chúng ta mắc bệnh tự bằng lòng, hài lòng với cái đang có nên ngại thay đổi. Cách làm kinh tế vẫn mù mờ về đầu cung và đầu cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản nên gặp nhiều rủi ro.

Vậy là, bộ nào, ngành nào, vị quản lý nào cũng cho biết đã làm hết khả năng, làm hết trách nhiệm, nhưng khi xảy ra vấn đề thì khâu nào cũng cho thấy có lỗ hổng. Các khâu liên quan tới nhau nhưng thực tế lại cho thấy sự rời rạc, không có tính liên kết, mạnh ai nấy làm. Một vòng luẩn quẩn từ khâu sản xuất đến phân phối, thông quan. Rốt cuộc, chỉ có người nông dân và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm và gánh hậu quả.

Bởi vậy, lãnh đạo Chính phủ có lẽ sẽ phải là người cầm trịch để phân công công việc, giao trách nhiệm từng nơi rất cụ thể, để khi "gõ đầu" thì không ai phải "kêu oan".

Dù rất ghi nhận nỗ lực của các vị Bộ trưởng nhưng qua các kỳ Quốc hội, cử tri không chỉ lắng nghe sự giãi bày của lãnh đạo ngành trên nghị trường mà họ còn theo dõi kết quả và hành động trong thực tế để "chấm điểm"

Các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn không đơn thuần là để "qua vòng" báo cáo, mà điều quan trọng nhất chính là việc giải quyết được vấn đề trong thực tế. Điều này gắn với tín nhiệm của vị tư lệnh ngành đó trong lòng nhân dân, cũng là những dấu ấn, những di sản mà một vị lãnh đạo có thể để lại.

Chỉ khi đó, vị Bộ trưởng mới được coi là đã có một nhiệm kỳ thành công!