Nỗi lo trở lại nhà tù của ông Chấn là có thật!
(Dân trí) - Chân lý chỉ có một. Một vụ án không thể tái thẩm cũng đúng mà giám đốc thẩm cũng… đúng? Chẳng lẽ không chỉ án dân sự mà cả những vụ án hình sự cũng có tình trạng như lời Cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương là “xử thế nào cũng được”?
Đó là quan điểm của ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội và ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 7/11, ông Khiển nói: “Bộ luật Hình sự đã quy định việc điều tra chứng minh bị can có tội là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không chứng minh được thì phải tuyên bố họ vô tội. Giờ đã tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai rồi thì phải minh oan cho người ta theo đúng trình tự thủ tục: kháng nghị giám đốc thẩm để hủy bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm, minh oan và đền bù. “Không thể gộp 2 vụ làm một để cho rằng đó là tình tiết mới và tiến hành tái thẩm. Còn nếu đưa ra tái thẩm là các cơ quan tố tụng đang cố tình “lách” để lấp liếm đi cái sai của mình trước đó”.
Tuy nhiên cũng trên bài báo trên, ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao lại cho rằng việc xét xử tái thẩm thực hiện khi có tình tiết mới mà tòa không biết, tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Ở đây, có sự xuất hiện nhân vật Lý Nguyễn Chung và khả năng phạm tội của Lý Nguyễn Chung - dù tòa chưa tuyên - là khá rõ ràng. Tình tiết mới này làm thay đổi bản chất vụ án cho nên phải tái thẩm.
Cùng quan điểm tái thẩm với ông Bình là Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trần Độ.
Như vậy có thể đặt giả thiết, nếu ông Vũ Đức Khiển được giao nhiệm vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Chủ nhiệm UB Lập pháp Quốc hội và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao là các chức vụ tương đương) thì vụ án Nguyễn Thanh Chấn sẽ được đề nghị giám đốc thẩm?
Hiện tại, ông Chấn đang rất lo lắng cho số phận pháp lý của mình, bởi lẽ theo kháng nghị bản án đã được hủy nhưng chưa có phán quyết cuối cùng về việc ông được vô tội.
Trong khi hiện nay, tất cả các điều tra viên đều không công nhận họ ép cung như lời tố cáo của ông Chấn. Nếu như việc ép cung đã xảy ra thì việc “tái dàn dựng” một kịch bản khác cũng có thể xảy ra. Cách đây 10 năm, khi còn trẻ, chưa có chức, có quyền mà họ còn “dàn dựng” trắng trợn như thế thì giờ đây đã có tuổi, nhiều kinh nghiệm và trong đó nhiều người hiện đang có chức, có quyền thì việc “dàn dựng” nếu có, sẽ tinh vi hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng rằng với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sự giám sát của Quốc hội và của nhân dân, oan sai không thể một lần nữa đổ lên đầu công dân lương thiện Nguyễn Thanh Chấn.
Từ diễn đàn này, chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng để đến cùng để bảo vệ chân lý.
Xin ông Chấn hãy yên tâm!
Song về cá nhân, mình vẫn day dứt một câu hỏi: Vậy thì việc xử giám đốc thẩm như quan điểm của Nguyên Chủ nhiệm UB Luật pháp Quốc hội là đúng hay xử tái thẩm theo quan điểm của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao là đúng?
Chân lý chỉ có một. Một vụ án không thể tái thẩm cũng đúng mà giám đốc thẩm cũng… đúng? Chẳng lẽ không chỉ án dân sự mà cả những vụ án hình sự cũng có tình trạng như lời Cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương là “xử thế nào cũng được”?
BLOG rất mong nhận được ý kiến của các luật gia và các bạn về việc này.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!