Niềm tin vào "cuộc chiến" chống tham nhũng: Không thể có từ con số sai!

(Dân trí) - Nhìn vào một loạt các vụ việc khởi tố, bắt giữ, xét xử hàng loạt các bị can liên quan đến các "đại án" tham nhũng, cho thấy "cuộc chiến" chống tham nhũng đang được đẩy lên cao trào- như "lò lửa", sẽ thiêu rụi cả những "củi tươi".

Niềm tin vào "cuộc chiến" chống tham nhũng: Không thể có từ con số sai! - 1

Chính ở thời điểm này, vụ xét xử Hà Văn Thắm và đồng bọn trong vụ án tại ngân hàng Ocean Bank -một trong 12 "đại án" tham nhũng đang được đem ra xét xử đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Ngay trong quá trình xử án, cơ quan chức năng còn khởi tố bắt giam một Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Dầu khí - bị can Ninh Văn Quỳnh, cùng một số cá nhân khác cho thấy quyết tâm lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc chỉ đạo chống tham nhũng, đem lại niềm tin của người dân về điều hành kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên, tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 6/9 về dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, như Dân trí đã đưa tin, báo cáo tổng hợp về công tác phòng, chống tham nhũng và dự thảo Luật này đã gây ngạc nhiên và hoài nghi cho nhiều đại biểu dự họp.

Ví dụ như nhận định chung về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, báo cáo do Phó Tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huấn nêu rằng: Kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng, tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm…

Thế nhưng đi vào cụ thể, những dẫn chứng, số liệu để chứng minh tình hình tham nhũng năm tới "có dấu hiệu giảm" đã không đủ thuyết phục.

Ví dụ như con số thống kê người kê khai tài sản là hơn 1,1 triệu người, đạt tỷ lệ 99% cán bộ, công chức nhà nước trong diện phải kê khai đã kê khai. Nhưng cơ quan chức năng chỉ phát hiện có 3 người kê khai "không trung thực"

Điều này đã khiến ngay một số thành viên của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không tin. Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp nói: “Hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản mà có 3 người không trung thực, dân tin sao được, chúng ta làm hời hợt, qua loa quá"

Ông Kim còn đưa ra lời bình: Công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn hình thức, chưa đạt yêu cầu. Cụ thể với một con số khác, theo báo cáo về kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2017: Có 25 người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng xảy ra tại cơ quan đơn vị. "Con số này cũng không ai tin được, né tránh quá nhiều”, ông nhận xét.

Với chỉ 2 ví dụ đó thôi mà các Đại biểu Quốc hội đã không tin được thì đa số người dân làm sao có niềm tin, rằng "cuộc chiến" chống tham nhũng hiện nay đã thực sự có hiệu quả, và tình hình tham nhũng sẽ "tiếp tục giảm trong năm 2018" như cơ quan trình báo cáo trên đánh giá?

Hơn nữa, cho đến nay, tuy Nhà nước đã có rất nhiều cơ quan cùng có nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng: Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước...nhưng hiệu quả thực sự của cuộc đấu tranh đó còn là dấu hỏi khi nhiều vụ việc giải quyết mãi chưa xong và đến nay, vẫn chưa thiết lập được một mô hình cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập như các ý kiến tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận xét.

Có lẽ trong các đại diện cơ quan Chính phủ dự họp hôm đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương có đánh giá sát nhất. Ông cho rằng, các vụ như Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh, Vinashin, Phạm Công Danh...đang xử lý hiện nay là hậu quả và phải xử lý hậu quả của giai đoạn trước đây. Còn hiện nay, như ông trích dẫn, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng gần nhất đánh giá: Tình hình tham nhũng chưa giảm, những dấu hiệu tiềm ẩn vẫn còn. Cụ thể, tham nhũng tiềm ẩn ở hệ thống ngân hàng, ở lĩnh vực đầu tư BOT, BT…

Chỉ từ cuộc họp trên thôi, có thể thấy, nếu các cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng chưa nhìn thẳng vào thực tế, không có đủ căn cứ, số liệu thuyết phục mà đưa ra các nhận định có màu hồng: Tham nhũng đã và có dấu hiệu sẽ tiếp tục giảm, Quốc tế đánh giá tốt hơn ...thì không chỉ các đại biểu Quốc hội mà chắc rằng “không ai tin được” những đánh giá đó.

Cho dù, nhìn vào các vụ bắt giữ, truy tố, xét xử...có vẻ như "cuộc chiến" chống tham nhũng như chiếc "lò" đang nóng rực. Nhưng nếu quá ít củi đưa vào, thì như đại biểu Vũ Trọng Kim, "lò" cũng sẽ tắt.

Mạnh Quân