Niềm tin từ một ca Covid-19 đặc biệt
(Dân trí) - Việc lựa chọn Việt Nam để điều trị cho nhân viên bị mắc Covid-19, chứng tỏ tổ chức Liên hợp quốc đánh giá cao và hết sức tin tưởng về công tác phòng, chống dịch của nước ta.
Ngày 15/6, nhân viên Liên hợp quốc được xuất viện và rời Việt Nam để trở lại tiếp tục công tác. Bệnh nhân công tác tại một nước ở trong khu vực, được khẳng định mắc Covid-19, có tình trạng bệnh chuyển biến nặng.
Theo đề nghị của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị khẩn cấp khi bệnh nhân được đưa đến bằng máy bay riêng do Nhóm công tác sơ tán y tế khẩn cấp của Liên hợp quốc (MEDEVAC) thực hiện.
Qua quá trình điều trị tích cực theo quy trình cách ly chặt chẽ, với năng lực chuyên môn và sự tận tình của các y, bác sĩ Việt Nam, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc theo cơ chế MEDEVAC, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên hợp quốc.
Nghĩa cử này một lần nữa khẳng định thiện chí và cam kết đóng góp của Việt Nam vào hợp tác quốc tế để chung tay ứng phó với đại dịch Covid-19.
Lãnh đạo và đại diện Liên hợp quốc ở các cấp khác nhau bày tỏ sự cảm kích với tinh thần đoàn kết quốc tế đồng thời đánh giá cao năng lực chuyên môn, khả năng đóng góp ngày càng lớn của ngành y tế Việt Nam đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân cũng như góp phần mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế đất nước.
Việc Liên hợp quốc chọn Việt Nam để đưa nhân viên mắc Covid-19 đến điều trị còn là một minh chứng thành công trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây không phải là lần đầu tiên một tổ chức quốc tế có những đánh giá tích cực về hiệu quả cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở ta.
Còn nhớ hồi tháng 2/2020, đại diện Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đánh giá cao Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với quyết tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả, công khai, minh bạch.
Theo kết quả nghiên cứu được Viện Lowy của Australia công bố hồi cuối tháng 1/2021, Việt Nam được xếp đứng thứ 2 trên thế giới về hiệu quả ngăn chặn và xử lý đại dịch Covid-19, chỉ đứng sau New Zealand - quốc gia có 5 triệu dân.
Không phải ngẫu nhiên mà quốc tế lại có những đánh giá, ghi nhận về hiệu quả chống dịch của Việt Nam như vậy. Một đất nước có hơn 100 triệu dân, đối mặt với nhiều thách thức lớn, Việt Nam với biện pháp truy vết nguồn lây, triển khai xét nghiệm và đưa ra thông điệp hướng dẫn rõ ràng đã dần kiểm soát, tiến tới "tấn công" dịch. Điều đó không phải quốc gia nào cũng làm được.
Sự nhất quán trong điều hành, kịp thời trong chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt và đầy trách nhiệm của ngành Y tế và chính quyền các địa phương; sự đoàn kết và tin tưởng của người dân đã tạo nên sức mạnh để Việt Nam từng bước khống chế có hiệu quả đại dịch Covid-19.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức khi xuất hiện những biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh. Trong khi đó, Việt Nam phải tập trung cùng lúc cho 2 mục tiêu lớn là chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, "mặt trận" nào cũng đầy rẫy khó khăn.
Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, của ngành y tế, sự chung sức đồng lòng của người dân, tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp... sẽ sớm thôi, tất cả người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận nguồn Vắc - xin chống dịch bệnh. Đó sẽ là bức thành trì bảo vệ từng người dân, tạo thành khối sức mạnh vững chắc để đẩy lùi và tiêu diệt Covid-19.