Những tờ giấy vay "chết người", chẳng có đồng tiền nào dễ dãi!

Bích Diệp

(Dân trí) - Trên 140%/năm là mức lãi suất của những khoản tiền mà Phan Công Hoạt đã đứng ra cho nhiều học sinh THPT ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vay trong thời gian vừa qua.

Những tờ giấy vay chết người, chẳng có đồng tiền nào dễ dãi! - 1

Con số Công an huyện Đức Thọ công bố là hơn 150 triệu đồng, nếu nói quy mô thì không phải lớn, nhưng về tính chất lại rất nghiêm trọng. Bởi, đối tượng vay nặng lãi không ai khác chính là học sinh phổ thông, nhiều em vay rồi không có khả năng trả nợ.

Cũng giống như hầu hết các vụ cho vay tín dụng đen khác, công thức đều rất giống nhau: Thủ tục dễ dãi mà lãi vay cắt cổ. 140%/năm - với lãi suất này thì làm ăn, kinh doanh gì cho lại! Nhưng vì sao mà vẫn cho vay được? Vì chỉ cần hỏi vay là có, đến vay chỉ cần viết giấy, không cần phải thế chấp bất cứ thứ gì.

Nhưng ngẫm lại, đã liên quan đến tiền bạc thì làm gì có chuyện "ngon ăn" đến thế? Bài học cho những đứa trẻ mới lớn sẽ trở nên đắt đỏ gấp nhiều lần số tiền vay được. Không chỉ là khoản tiền lãi (lấy đâu mà trả ngoài tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ ở nhà?), mà còn là sao nhãng học hành, còn là những cạm bẫy, tệ nạn đã giăng sẵn, thậm chí là cả một tương lai phía trước có nguy cơ bị đe dọa.

Đừng nghĩ vài triệu đồng hay vài trăm nghìn đồng là chuyện nhỏ. Phải tới khi lắp công thức tính lãi vào rồi mới biết, con số cuối khủng khiếp thế nào!

Ngay dịp cuối năm này (ngày 7/12), Công an phường Quang Trung (TP Quy Nhơn, Bình Định) cho biết đơn vị này đã phối hợp với Công an TP Quy Nhơn xác minh, làm rõ việc một gia đình ở phường Quang Trung bị "khủng bố", hăm dọa đòi nợ.

Vụ việc ly kỳ đến mức khó tin, ấy vậy mà lại là chuyện thật 100%. Hoặc cũng có thể là nó xảy ra không ít ở một góc khác trong xã hội mà chúng ta cần phải dành nhiều hơn sự quan tâm, chú ý.

Cụ thể, một nữ sinh viên 20 tuổi học đại học ở TPHCM do kẹt tiền thuê nhà trọ, việc làm thêm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên đã vay một sinh viên khác, là đồng hương, cũng là bạn học cấp 2 của mình, số tiền 12 triệu đồng.

Dù chỉ nhận 9,6 triệu đồng nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, thanh toán hàng chục lần với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng mà vẫn còn nợ 125 triệu đồng. Gia đình nữ sinh này sau đó bị khủng bố, liên tục bị tạt sơn, mắm thối, chất bẩn… vào nhà. Hình ảnh nữ sinh kia bị tung lên mạng xã hội bằng những lời bôi nhọ, nói xấu…

Một câu chuyện đáng báo động về an ninh trật tự, nhưng cũng thật đau lòng, đáng buồn về nhân tình thế thái, về nhân tính và sự rẻ rúng của tình người trước đồng tiền vào thời buổi dịch bệnh khó khăn này.

Đồng tiền không có lỗi. Nhưng có những kẻ vì đồng tiền mà tự biến mình trở nên bất nhân, vô đạo, vô pháp, vô thiên. Chúng không tha con trẻ cũng không chừa đường lui cho những người nghèo. Đơn giản, đó là một loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận, để tiền đẻ ra tiền, dựa vào bạo lực, dọa dẫm.

Thế nên, đấu tranh, loại bỏ tín dụng đen, đặc biệt là tín dụng đen trong trường học là việc phải làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Đó đương nhiên phải là trách nhiệm của ngành công an trước hết, không được nương nhẹ, không cho phép thế lực nào "chống lưng". Nhưng đó còn là trách nhiệm của cả địa phương, nhà trường và của từng gia đình. Trước khi để xảy ra những sự việc vào thế "đã rồi" thì hãy dạy những đứa trẻ về giá trị của tiền, ý nghĩa của tiền và cả cách sử dụng tiền sao cho đúng.

Còn các nạn nhân, nhất là các bạn trẻ, xin hãy tỉnh táo và thận trọng, đừng liều lĩnh đánh cược, đừng coi thường tính sát thương của những "đồng tiền quỷ ám". Thay vì lướt mạng, hãy dành 5 phút mỗi ngày thôi để đọc sách báo, nắm bắt thực tế cuộc sống. Trên đời, có bữa ăn nào là miễn phí? Cái gì càng dễ, cạm bẫy lại càng nhiều, cái giá phải trả càng đắt đỏ!