Những thói quen xấu thời đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Câu chuyện một ca nhiễm mới tại Hà Nội hút chung thuốc lào với 4 người khác tuần qua không khỏi khiến chúng ta phải nhìn lại những thói quen cần tránh.
Như Dân trí đã đưa tin, trong tuần qua, có một ca bệnh đã được xác định nhiễm Covid-19 tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có lịch sử dịch tễ khá phức tạp. Bệnh nhân này làm việc tại một quán bán bánh pizza và đã tiếp xúc với khá nhiều người trong thời gian làm việc tại đây.
Một câu chuyện gây cười trên mạng xã hội là trong bản tin đó, có lưu ý là bệnh nhân số 447 đã hút chung...thuốc lào với 4 người khác tại một quán hàng bên cạnh quán pizza đó.
Dù sau đó, những người hút chung cùng ống điếu thuốc lào đã được xác định là âm tính và nhiều người còn cười đùa rằng, thuốc lào có thể có tác dụng ngăn ngừa SARs-CoV-2, nhưng thực sự thì đây đúng là một thói quen rất không tốt trong thời kỳ diễn ra đại dịch quá nguy hiểm này.
Không có cách gì khiến việc lây nhiểm loại virus chết người này nhanh như bằng việc tiếp xúc ở khoảng cách quá gần, lại qua đường mũi, miệng như hút chung điếu cày như vậy. Và thật quá may cho những người trong nhóm hút chung thuốc nói trên khi người bị mắc bệnh Covid-19 đã cùng gắn miệng, gắn mũi vào cùng một vật dụng như vậy.
Nhưng đâu chỉ có ống điếu thuốc lào? Chắc chắn là sau câu chuyện trên, khá nhiều người cũng giật mình là lâu nay mình cũng có thói quen tương tự.
Kể cả ở các quán chuyên bán cigar, rượu vang, các quán ăn sang trọng lâu nay, khi hút cigar từ lâu đã trở thành một thú vui thời thượng thì cũng khá nhiều người có thói quen hút chung một điếu cigar. Có khi cả chục người truyền tay nhau để hút một điếu thuốc.
Hay với giới trẻ thì nhiều người hay tụ tập cùng bàn, hút chung shisha (một loại thuốc gây nghiện, dạng nhẹ). Thường thì cũng có dụng cụ để mỗi người có thể rít khói riêng nhưng cũng rất nhiều người, khi đã vui lên thì cũng chẳng phân biệt, hút chung hết. Ngay cả hút bằng đầu hút riêng thì điều đó cũng khó có thể ngăn được virus lây lan nếu như trong nhóm hút chung có một người mắc bệnh, bởi họ đã hít thở cùng một bầu không khí, trong một khoảng cách quá gần.
Và còn rất nhiều thói quen khác: Tụ tập ăn uống, cụng ly, bắt tay nhau khi gặp mặt, chen lấn xô đẩy khi xếp hàng...Có những thói quen bình thường không có gì là xấu, thậm chí có thói quen tốt, nhưng ở thời dịch bệnh lan tràn như hiện nay, nó lại trở thành thói quen có thể gây nguy hại cho nhau, một khi có người mắc Covid-19 tiếp xúc trong khoảng cách gần.
Sau một thời gian chống dịch khá thành công, bởi có những lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch ở một số nơi và ở nhiều người dân, dịch Covid-19 đã tái bùng phát trở lại ở Đà Nẵng và bắt đầu có những ảnh hưởng, khiến một số tỉnh, thành phố khác: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... có những người bị lây nhiễm khi trở về từ thành phố này. Tốc độ lây lan đang thực sự rất nguy hiểm, thậm chí đang được cơ quan chức năng đánh giá là nguy hiểm hơn thời kỳ trước.
Cho nên, trong thời gian khi bệnh dịch nguy hiểm trên chưa tiếp tục lan tràn với qui mô lớn hơn, khi Hà Nội, TPHCM chưa phải áp dụng chính sách cách ly xã hội trên diện rộng như thời kỳ trước, mỗi cá nhân chúng ta cũng cần phải tự rút kinh nghiệm, theo khuyến cáo của cơ quan y tế, hạn chế tụ tập đông người, tránh tiếp tục những thói quen không tốt cho việc phòng, chống dịch. Đó cũng là một cách để góp phần đẩy lùi đại dịch chết người này vậy.