Những “thầy thuốc” chữa bệnh vô cảm

(Dân trí) - Một em bé chăn trâu 15 tuổi lao mình xuống dòng nước cứu được 5 em nhỏ đi bắt hến khỏi bị chết đuối. Hành động dũng cảm của em gây xúc động và sự cảm phục trong lòng mọi người.

 

Em Lê Văn Được cùng 5 bạn gái được Được cứu sống tại sông Gang chiều ngày 17/6.

 Em Lê Văn Được cùng 5 bạn gái được Được cứu sống tại sông Gang chiều ngày 17/6.

Dân gian nói: “Cứu mạng người bằng xây mười ngôi chùa”, em Lê Văn Được - học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Ngọc ở xóm Ngọc Hạ, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cứu đến 5 mạng người. 

 

Còn nhiều hành động cứu mạng người khác. Có khi hảo tâm bỏ tiền để chữa bệnh cho người thật tử nhất sinh, có khi phải  lao vào hiểm nguy để cứu, và cũng có trường hợp phải đổi cả tính mạng mình. Em Lê Văn Được cứu người chính là trường hợp có thể em phải mất mạng.

 

Chúng ta còn nhớ câu chuyện đẫm nước mắt về em Nguyễn Văn Nam ở xóm 3, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An lao mình xuống dòng nước để cứu 4 học sinh lớp 9 và 1  học sinh lớp 6. Sau khi đưa được em cuối cùng lên bờ, Nam chìm sâu xuống con nước xiết và ra đi mãi mãi. Câu chuyện của em thật cảm động, nhiều học sinh phải rơi lệ tiếc thương khi viết về tấm gương của Nam trong kỳ thi tốt nghịêp THPT vừa qua.

 

Trở lại câu chuyện của Lê Văn Được, em đã vượt qua hiểm nguy, cứu người thành công. Ngoài lòng can đảm, em còn có sự thông minh, nhanh nhẹn và bình tĩnh. Cứu 5 người đuối nước không phải dễ dàng, nhưng em đã làm được. Chuyện kể lại thì dễ, nhưng trong hoàn cảnh khẩn trương đó, nếu tính toán sai, em không thể cứu hết được cả 5 em nhỏ bắt hến, và có thể em cũng không tự bảo vệ được mình. Lê Văn Được xứng đáng được tuyên dương, khen thưởng được trao tặng danh hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

 

Nhưng cái lớn hơn mà Lê Văn Được mang lại là khơi gợi tình yêu thương, sự hy sinh và sẵn sàng giúp đỡ tha nhân trong cộng đồng. Xã hội hôm nay mang căn bệnh vô cảm đến mức trầm trọng. Gặp người bị nạn bên dường, trăm kẻ đứng xem nhưng không một ai xắn tay vào cứu giúp. Còn nhớ câu chuỵện mới đây, ngày 13.2  có một vụ tại nạn giao thông xảy ra trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Người dân hiếu kỳ vây quanh xem nạn nhân là một người đàn ông nằm bên vũng máu. Và ghi nhận của phóng viên:

 

“Ngay trong lúc đó, có một ông tây người to lớn rẽ đám đông chạy ra đường đỡ người đàn ông bị nạn dậy. Thấy người bị nạn không còn cử động, ông tây ngồi tại đó, một tay vòng qua đầu bế người bị nạn, một tay dùng khăn giữ máu chảy ở các vết thương chờ xe đến cấp cứu. Chốc chốc, ông tây lại ghé sát tai xuống đầu người bị nạn xem có còn hơi thở. Hành động của ông khiến nhiều người có cảm giác ông phải là một người thân thiết với người bị nạn mới có thể chăm sóc hết lòng đến như vậy. Không chỉ có ông tây mà còn nhiều ông tây, bà tây khác đến đây du lịch đang ngồi ở các quán bên đường cũng chạy ra, người mang thêm khăn lau cho nạn nhân, người tham gia điều tiết giao thông tránh ùn tắc” (Lao Động ngày 15.2.2013).

 

Bệnh vô cảm sẽ thuyên giảm nếu như có những tấm gương như Lê Văn Được, Nguyễn Văn Nam và ông tây vô danh vừa kể trên, họ không chỉ cứu người gặp nạn mà còn là những “thầy thuốc” chữa bệnh vô cảm cho những người chỉ biết đứng xem. Nhưng thật đáng lo, bởi vì hiện nay trong xã hội chúng ta, bệnh nhân mắc bệnh vô cảm thì nhiều mà “thầy thuốc” còn quá ít.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!