Những sự "cho đi" lặng thầm cần được ghi nhận
(Dân trí) - Thêm một thông tin cảm động vừa được Dân trí đăng tải: Ngày 4/3, tại Bệnh viện đa khoa Quảng Trị, các thầy thuốc ở đây vừa tình nguyện hiến máu để cứu 2 bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Cụ thể, trong ngày 3/3, hai bệnh nhân Đặng Thị Phụng (61 tuổi, đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp) và bệnh nhân Võ Huy Triện (92 tuổi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc) được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đe dọa đến tính mạng.
Thời điểm này, ngân hàng máu của bệnh viện không còn đủ máu để truyền cho bệnh nhân. Do đó, ba cán bộ y tế của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc gồm: Bác sĩ Lê Thảo Sương, điều dưỡng viên Lê Thị Lan Thảo và điều dưỡng viên Lê Huy Tường đã không ngần ngại hiến máu để cứu bệnh nhân.
Số máu được hiến gần 1 lít đủ truyền, cứu sống người bệnh trong thời điểm cần máu nhất.
Và thật đáng trân trọng khi mới trước đó 1 tuần, ngày 25/2, các y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh gồm: bác sĩ Ngô Quốc Thắng, điều dưỡng viên Trần Thị My Ly, điều dưỡng viên Trần Tùng Nhã, nhân viên Nguyễn Văn Nam cũng đã hiến máu khẩn cấp để cứu người bệnh.
"Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại". Lại có câu "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp".
Tôi tin rằng, đó chỉ là 2 trong nhiều lần hiến máu cứu người của những y bác sĩ ấy. Dù không có nghĩa vụ buộc phải cho máu, nhưng họ đã làm tất cả với lương tâm của những người đang khoác trên mình chiếc áo blouse trắng thiêng liêng.
Những hành động cao cả của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị càng tiếp thêm niềm tin cho chúng ta vào lòng nhân ái, sự tử tế ở đời, tin rằng luôn có những điều tốt đẹp ở quanh mình và là động lực để mỗi người sống nhân văn hơn.
Dẫu rằng ở đâu đó vẫn còn người này, người kia chưa làm trọn lời thề Hippocrates, nhưng tôi cho rằng, sự ghi nhận, hàm ơn với các y bác sĩ là một phần lễ nghĩa quan trọng ở đời.
Cuộc sống đã trao cho ngành y sứ mệnh thiêng liêng là chiến đấu, bảo vệ người bệnh, giúp mọi người chống lại bệnh tật và cả cái chết. Và đến cùng, trong lúc nguy nan nhất, bên cạnh mỗi chúng ta chính là họ, với màu áo trắng tinh khiết như những thiên thần.
Tôi nghĩ, chúng ta cần thể hiện sự kính trọng và tấm lòng tri ân với các y bác sĩ không chỉ trong ngày 27/2 mà trong mỗi phút, mỗi giây. Bởi không chỉ khi dịch Covid-19 hoành hành và họ là những người đang ở tuyến đầu chống dịch, mà bất cứ một khoảnh khắc nào và ở bất cứ đâu trên khắp đất nước này cũng đều có những y bác sĩ đang lặng thầm chăm sóc, cứu sống bệnh nhân.
Ít ngày trước, tôi rơi nước mắt khi nghe một bác sĩ trải lòng về nghề nghiệp. Anh nói, đã thấy mồ hôi ướt đẫm trên lưng đồng nghiệp khi uống vội chai nước suối giữa ca mổ, đã thấy giọt nước mắt đồng nghiệp khi nỗ lực cấp cứu bệnh nhân bất thành.
Anh cũng thấy đồng nghiệp bị đuổi đánh trong cơn giận dữ của người nhà và thấy họ bần thần khi bị phơi nhiễm sau khi lao vào cấp cứu để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân.
"Đằng sau vinh quang của ngành y không chỉ có giọt mồ hôi của sự vất vả mà còn có cả máu và nước mắt của xót xa, buồn tủi". Những chia sẻ đó rất con người - và tôi nghĩ không nhằm để nhận được sự thương cảm, cũng chẳng phải để được ghi công, mà đúng hơn là họ cần sự thông cảm, sự phối hợp, hợp tác của tất cả mọi người để sát cánh bên họ, làm những điều tốt đẹp nhất vì bệnh nhân, vì sức khỏe cộng đồng.