Những “nhát dao” đâm vào đồng bào, đến bao giờ dừng lại?
(Dân trí) - “Cà phê phin lại thành “cà phê pin”. Trường hợp này tôi yêu cầu Đắk Nông điều tra nghiêm túc, khởi tố các đối tượng có liên quan…” – Đây là một trong những chỉ đạo đáng chú ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu sáng 23/4.
Đáng chú ý bởi lẽ, yêu cầu này của người đứng đầu Chính phủ đưa ra đúng vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, khi dư luận đang dậy sóng, bức xúc về tình trạng cà phê trộn bột pin Con ó và cà phê giả (không chứa caffeine).
Những điều đó xảy ra khi mà đất nước chúng ta là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Chúng ta không thiếu nguồn cung cà phê sạch, nhưng lại thừa những cơ sở làm cà phê bẩn.
Có lẽ rất nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Động cơ, mục đích gì mà người ta lại trộn bột pin vào cà phê như thế? Lợi nhuận thu được từ việc “treo đầu dê…” đó liệu có thực sự lớn đến mức khiến họ bất chấp đạo đức, bất chấp pháp luật hay không? Đây là điểm rất cần cơ quan chức năng sớm làm rõ.
Bởi rằng, sự việc này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của ngành cà phê Việt, ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của hàng vạn doanh nghiệp, hộ kinh doanh cà phê trên cả nước và hàng triệu nông dân.
Đây chẳng khác nào một “cú tát” vào niềm tự hào của một đất nước nông nghiệp vốn được mệnh danh là Thủ phủ cà phê thế giới.
Sau tin sốc đó, có biết bao nhiêu người đã phải ngập ngừng trước những ly cà phê sóng sánh, ám ảnh tâm trí rằng: “Trong ly cà phê đó, liệu có chứa tạp chất độc hại nào không?”. Cứ thế, cà phê bẩn đã có thể giết chết niềm tin người tiêu dùng và “hạ độc” cả những người sản xuất, kinh doanh chân chính.
Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu trong một phiên thảo luận tại Quốc hội diễn ra hồi tháng 10/2016: Thực phẩm bẩn phải bị xử lý nghiêm vì đây là hình thức “giết người gián tiếp”.
Cho nên, trước sự việc gây bức xúc nói trên, người đứng đầu cơ quan điều hành đã phải lên tiếng và cho rằng, cần phải khởi tố các đối tượng liên quan. Tất nhiên, vấn đề này sẽ được cơ quan tư pháp xử lý, song theo quan điểm của người viết, với những hành vi đầu độc người tiêu dùng và bôi nhọ ngành cà phê Việt, dù với mục đích kiếm lợi nhuận hay động cơ đen tối nào khác, chỉ phạt hành chính là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định rất rõ, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự với mức hình phạt lên tới 20 năm tù đối với đối tượng vi phạm về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm nếu họ biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ người khác mà vẫn chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm.
Trước đó, khi thảo luận về Bộ luật Hình sự sửa đổi, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang thậm chí cho rằng, mức hình phạt đối với vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải nâng lên chung thân, tử hình chứ không chỉ dừng lại mức 20 năm tù như hiện tại.
Đành rằng, tinh thần của Chính phủ kiến tạo đang cởi bỏ hàng loạt thủ tục, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp có quyền tự tung tự tác, bất chấp pháp luật và đạo đức để kinh doanh, kiếm tìm lợi nhuận. Mọi hành vi phạm pháp đều phải bị xử lý nghiêm, đặc biệt là hành vi trục lợi trên sức khoẻ con người.
Bích Diệp