Những người ủng hộ đội bóng đá nhỏ
(Dân trí) - Đa số người Việt theo dõi bóng đá đều chọn MU, Arsenal, Chelsea, Liverpool, Barca, Real, Juve, Inter, AC…là đội của mình. Đó là điều đương nhiên.
Đa số người phương Tây nghiên cứu lịch sử Việt Nam đều chọn Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trần Hưng Đạo là nhân vật tập trung của mình. Theo dõi bóng đá hay nghiên cứu lịch sử, sức hấp dẫn của những cái tên nổi tiếng đều quan trọng.
Nhưng cũng có người Tây chọn nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng – và có người Việt chọn ủng hộ Norwich City FC.
Tôi thích người như vậy. Từ hồi mười mấy tuổi tôi đã chọn Nottingham Forest là đội bóng đá của đời mình. Suốt tám năm ở Việt Nam tôi chưa gặp người Việt nào là cổ động viên của Forest. Tuy nhiên tôi có gặp một số người Việt là cổ động viên của các đội nhỏ khác như Norwich, Bilbao, Udinese, Wolfsburg, thậm chí các đội “nhỏ mà không nhỏ”, những Celtic, Rotterdam, Galatasaray – tôi có cảm tình với họ.
Thứ nhất, chúng tôi chọn đội bóng không phải vì trào lưu. Chúng tôi có hàng nghìn lý do vì sao chọn, nhưng trong đó không có “vì thế giới nhiều người thích”. Vì thế chúng tôi không cần “thanh minh”, không cần chứng tỏ rằng chúng tôi là “fan thật” mà không phải là “fan trào lưu”.
Những người chọn ủng hộ các đội lớn đôi khi có cần thanh minh. Tôi lấy ví dụ là cổ động viên Manchester United. Ủng hộ MU rất dễ. Chính vì thế, trong số người ủng hộ MU có nhiều người “thích điều dễ”. Nói các khác, trong số người ủng hộ MU có nhiều người sợ điều khó.
Ở Anh, báo lá cải hay nói rằng đa số người ủng hộ MU không đến từ Manchester và không có “quan hệ chặt” với đội hay thành phố này. Các cổ động viên của Arsenal khi xem trận ở Old Trafford hay hát cho các cổ động viên MU nghe: “Race you back to London!” (Xong trận ta đua nhau về London nhé!) Đó là cố tình chạm vào nỗi đau của MU. Ý của các cổ động viên Arsenal là “Chúng mày là cổ động viên ảo”.
Chính Roy Keane đã từng phàn nàn về “tính chất xác thực” của cổ động viên MU. Trong một câu phát biểu giờ đã thành “slogan”, anh ấy gọi một phần lớn cổ động viên xem trận trên sân nhà là “prawn sandwich brigade” (tạm dịch là hội sandwich tôm). Để hiểu ý của Roy Keane trước hết phải hiểu “sandwich tôm” là món thế nào. Đó là món của giới quý tộc. Dân thường không ăn, không có tiền mua, kể cả có tiền mua vẫn không ăn. Sandwich tôm là món xạo.
Các “cổ động viên” thuộc giới quý tộc (nói về tính cách thôi) vốn không cổ vũ nhiệt tình; một trận bóng đá bị hiểu nhầm là sự kiện thời trang. Họ đến xem để được xem. Đó là ý của Roy Keane khi chọn dùng từ “hội sandwich tôm”. Vì chạm vào một sự nhạy cảm nên câu phát biểu ấy được các báo lá cải của Anh in đi in lại, thành câu phát biểu tiêu biểu nhất của Roy Keane trong suốt thời gian đá cho MU.
Vậy những người ủng hộ Manchester United có cần thanh minh. Thanh minh cho xã hội, thanh minh cho Roy Keane, thanh minh cho tôi. Đến từ xa thì không sao. Nhưng họ có thực sự yêu chiếc áo đỏ ấy không? Họ yêu từ lúc nào? Bố có yêu không? Ông có yêu không? Yêu như thế nào, vì sao và vì sao?
Chelsea cũng vậy – những người thích Chelsea từ thời Gianluca Vialli thì “okay”, họ xứng đáng nhận được một sự tôn trọng nhất định. Tuy nhiên những người bắt đầu yêu Chelsea từ sau thời ông Roman thì...tôi nghi ngờ lắm. Họ cũng phải thanh minh (theo tôi), mà phải thanh minh một cách rất thuyết phục mới…thuyết phục.
Vậy “Đỡ phải thanh minh” là lợi thế của những người ủng hộ đội bóng nhỏ. Thêm vào đó, chúng tôi cũng có lợi thế là…đễ nổi bật hơn. Tôi đi party bóng đá mặc áo của Forest sẽ có nhiều người hỏi “Đó là áo của đội gì vậy?” Tôi được giải thích với họ về Nottingham Forest, về HLV Brian Clough (Theo ngôn ngữ hoành tráng của Wikipedia, “Thành tích liên tiếp trong việc đoạt cúp C1 châu Âu của ông với một câu lạc bộ tỉnh lẻ - Nottingham Forest - được xem là một trong những thành công lớn nhất trong lịch sử bóng đá.”), về nhiều thứ khác nữa. Người đi party đó sẽ nhớ tôi hơn vô số những người mặc chiếc áo MU.
(Nếu bạn chưa đoán ra, tôi và MU không yêu nhau lắm!)
Điều khổ nhất với chúng tôi là phải đợi rất lâu, đôi khi cả một thế hệ, mới chứng minh đội mình tạo thành tích lớn. Các đội mình cũng ít xuất hiện trong báo chí hoặc trên truyền hình, phải chủ động theo dõi. Các đội của mình khổ. Các đội của mình nghèo. Chính vì thế, một thành tích nhỏ là vui mừng quá. Nếu Forest lên lại Premiership thì.. .tôi sẽ cởi hết quần áo chạy một vòng Tây Hồ và hát kiểu opera. (Đùa thôi. Tôi chỉ đủ sức chạy vòng Hồ Hoàn Kiếm.)
Một điều khổ nữa là nhiều người không nhận ra đội mình. Dân bóng đá thì biết, nhưng dân thường thì không (dân Việt Nam lẫn Canada).
Hỏi: Anh Joe có thích bóng đá không?
Joe: Có chứ!
Hỏi: Anh thích đội nào nhất?
Joe: Tôi thích Nottingham Forest.
Hỏi: Fò-rét là sao?
Joe: Brian Clough? Stuart Pearce? Sông Trent?
Hỏi: Dạ? Sông gì?
Joe: Tôi thích Chelsea.
Hỏi: Ô hay quá! Tôi cũng thế!
Joe