“Những ngươi thích đùa” với cả… Quốc hội!
(Dân trí) - Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Do yếu kém trình độ kiểu “Ông nói gà, bà nói vịt” hay thiếu trách nhiệm đến mức không thèm đọc văn bản? Thậm chí, có hay không sự “đùa giỡn” với cả Quốc hội? Chịu! Thôi thì đành hiểu theo cách của ông Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, họ là “những người thích đùa” với… Quốc hội vậy.
Cách đây khoảng hơn 2 thập kỉ, một cuốn sách rất nổi tiếng của nhà văn trào phúng nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ có tên “Những người thích đùa” xuất bản và lập tức được độc giả Việt Nam hồ hởi đón nhận.
Trong tập truyện này, Nhà văn Azít Nêxin đã đem rất nhiều câu chuyện thuộc mọi lĩnh vực ở đất nước ông ra để trào phúng. Thế nhưng, người viết bài này không thấy lần nào ông dám đem cơ quan lập pháp ra để… đùa cả.
Vậy mà với thực tế những gì đã diễn ra ở ta, người viết bài này có cảm giác như có một số người đang… đùa với cả Quốc hội.
Xin kể hai câu chuyện gần đây nhất.
Ngày 16/4 vừa qua, tại phiên thảo luận về luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018 tại UB Thường vụ Quốc hội, bà Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã nêu lên một thực trạng khá… “hài hước” trong quá trình xây dựng luật. Trên báo Dân trí, bà Nga đặt một loạt câu hỏi:
“Hồ sơ dự án luật trình ra quá đơn giản, báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành luật cũ không ký, không đóng dấu, không biết là báo cáo của ai, của chuyên viên, Vụ trưởng, Thứ trưởng hay Bộ trưởng làm. Báo cáo đánh giá tác động của luật mới như… bản nháp. Vậy sao cơ quan thẩm định vẫn cho qua?”.
Lấy ví dụ dự án Luật Quản lý, phát triển đô thị trình UB Thường vụ Quốc hội trước đó, bà Nga nhận xét, hồ sơ dày, ai cũng khen, nhưng có 6 tài liệu ở dạng… bản nháp, trong đó có báo cáo tổng kết và báo cáo đánh giá tác động, thuyết minh chi tiết. Dự án Luật Chăn nuôi, luật Trồng trọt trình Thường vụ phiên họp này cũng trong tình trạng tương tự.
Đúng một tháng sau (15/5), cũng tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn ra trong báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri xuất hiện tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”.
Bài “Cử tri hỏi chuyện cao tốc, Bộ GTVT trả lời việc… khơi thông mương thủy lợi” cũng trên Dân trí cho biết cụ thể, khi cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải về việc xác định trách nhiệm giải quyết hậu quả trong việc thi công đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai nên một bộ phận người dân đang phải chịu khó khăn về đường giao thông phục vụ sản xuất.
Thế mà trả lời cử tri, Bộ GTVT lại đi khẳng định “đã chỉ đạo đơn vị quản lý, khai thác tiến hành ngay các biện pháp nạo vét, khơi thông cống thoát nước và mương thủy lợi để đảm bảo sản xuất và sinh hoạt cho người dân và đã bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng...”.
Đọc những thông tin trên, người viết bài này cố gắng lý giải bằng tư duy của một người làm thơ xem có sự liên tưởng nào hay không nhưng dù vận dụng hết sức trí tưởng tượng, cũng đành… botay.com.
Người viết bài này có lúc đã vận dụng cả phương pháp “bóng gió” trong tục ngữ, ca dao kiểu “Nói đây chết cây Hà Nội” cũng đành… bó tay bởi không có cách gì liên kết được hai sự việc với nhau.
Vậy thì vì sao lại xảy ra tình trạng này? Do yếu kém trình độ kiểu “Ông nói gà, bà nói vịt” hay thiếu trách nhiệm đến mức không thèm đọc văn bản? Thậm chí, có hay không sự “đùa giỡn” với cả Quốc hội?
Chịu! Thôi thì đành hiểu theo cách của ông Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, họ là “những người thích đùa” với… Quốc hội vậy.
Bùi Hoàng Tám