Những lực cản trong sử dụng người tài

(Dân trí) - Quy hoạch cán bộ trẻ là quá cần thiết và cấp bách. Nhưng để thu hút cán bộ trẻ có thực tài thì phải có chính sách sử dụng và đãi ngộ phù hợp. Nếu không, dù tuyển chọn cán bộ trẻ nhưng là người cơ hội và bất tài thì chẳng hay ho gì.

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

 Trao đổi với báo chí về công tác cán bộ, ông Trần Lưu Hải – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng phải trẻ hóa cán bộ. Ngay từ bây giờ, phải nhìn đến thế hệ 7X, 8X và các bạn trẻ hơn nữa. Ông cũng đưa ra công việc cụ thể là chọn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi để cử về cơ sở, từ đó chọn lọc nguồn cán bộ lâu dài.

 

Chuyện trẻ hóa cán bộ đã được bàn từ lâu, nhưng trên thực tế vẫn chưa có sự chuyển biến. Nhiều nơi, người trên 40 tuổi vẫn còn xem là còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm giữ vai trò lãnh đạo.

 

Lực cản của việc sử dụng cán bộ trẻ là do tư duy đề bạt cán bộ theo kiểu xếp hàng. Người nào xếp hàng trước, “mua vé” trước. Cho nên, người có năng lực vẫn phải chờ đợi mỏi mòn. Trên thực tế, rất ít nơi dám mạnh dạn đưa một cán bộ trẻ lên làm lãnh đạo theo kiểu đột phá. Hãy nhìn ra các nước mà xem, không ít người được bổ nhiệm làm bộ trưởng ở tuổi trên dưới 30, tổng thống trên tuổi 40 cũng không hiếm hoi gì. Còn ở ta, cán bộ cấp trưởng phó phòng của một sở trên 30 tuổi vẫn được coi là cán bộ trẻ.

 

Lực cản thứ hai là quy hoạch và đề bạt  theo quan hệ. Trong khung tư duy này, người có năng lực nhưng không có quan hệ sẽ bị loại “từ vòng gửi xe”. Anh nào nằm trong diện con cha, cháu ông sẽ được ưu ái, hoặc có quan hệ tốt với các vị lãnh đạo thì sẽ được cơ cấu. Việc này khá phổ biến, không lạ.

 

Lực cản nữa là tư duy lý lịch. Đến tận bây giờ, chủ nghĩa lý lịch vẫn tồn tại. Anh nào có lý lịch không thuận lợi thì coi như làm lính suốt đời. Bằng cấp, học vị, năng lực không thay được cho tấm lý lịch mà anh đang có. Bản thân người có tài không cần chức tước, nhưng không sử dụng được họ thì xã hội bị thiệt hại. Càng thiệt hại hơn nếu thay vào đó bằng những kẻ bất tài.

 

Điều quan trọng khác tưởng cũng cần lo liệu, đó là cơ quan nhà nước muốn tuyển chọn người trẻ có năng lực cũng không phải dễ. Với thị trường lao động hiện nay, chất xám là hàng hóa, cho nên đồng lương của nhà nước không đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Nhiều bạn trẻ không tha thiết vào cơ quan chính quyền, họ tìm đến các công ty tư nhân, nước ngoài, môi trường làm việc tốt, thể hiện được khả năng, sáng kiến và hưởng đồng lương xứng đáng.

Tình trạng này đã và đang xảy ra, nếu kéo dài, trình độ chuyên môn và năng lực làm việc của cán bộ trong hệ thống cơ quan nhà nước rồi đây sẽ thấp hơn bên ngoài. Sự chênh lệch này tất yếu đẩy đến một hậu quả, đó là hoạt động của bộ máy hành chính công không theo kịp sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và của cả xã hội.

 

Phân tích như trên để thấy rằng, quy hoạch cán bộ trẻ là quá cần thiết và cấp bách. Nhưng để thu hút cán bộ trẻ có thực tài thì phải có chính sách sử dụng và đãi ngộ phù hợp. Nếu không, dù tuyển chọn cán bộ trẻ nhưng là người cơ hội và bất tài thì chẳng hay ho gì.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!