Những điều "bất ngờ" của hoa hậu Oanh Yến

(Dân trí) - Có một cuộc thi ảnh hay văn chương chẳng hạn, một tác giả Việt Nam gửi dự thi có phải xin phép không mà các người đẹp đi thi phải xin phép? Rồi một cuộc thi thể thao cũng thế, chả lẽ cái gì cũng “xin phép”, “xin phép”, đến mang vinh quang về cho đất nước cũng phải… “xin phép”?

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cuộc thi Hoa hậu Thế giới toàn cầu 2015 vừa diễn tại Thủ đô Manila, Philipines vào 29/11 đã “bất ngờ” khi người đẹp của Việt Nam Hồ Thị Oanh Yến (29 tuổi) đăng quang với ngôi vị cao nhất kèm 2 giải phụ là thí sinh diện trang phục dân tộc đẹp nhất và hoa khôi thể thao.

Nói bất ngờ là bởi thứ nhất, các người đẹp Việt Nam thường “kém duyên” trong các cuộc thi nhan sắc nên việc Oanh Yến được đến 3 giải, trong đó có cả giải cao nhất có thể được coi là một bất ngờ dù qui mô cuộc thi hơi nhỏ.

Bất ngờ thứ hai, Oanh Yến trước khi đi thi đã không xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) mà theo lời mời của bà Eym Apawg - Trưởng ban tổ chức. Điều này vi phạm những qui định của luật pháp Việt Nam. Cụ thể theo Điều 4: Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu mà không có giấy phép, Yến Oanh sẽ bị phạt từ 25-30 triệu đồng.

Trao đổi với PV Dân trí, Cục trưởng Cục BDNT Nguyễn Đăng Chương nói thẳng, “đã nhận mình là công dân Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” nên “đi thi thì phải xin phép”. Ông Chương còn cho biết, nếu người đẹp này không chấp hành theo đúng quy định sẽ không được thừa nhận danh hiệu và cấm mọi hoạt động biểu diễn trong lãnh thổ Việt Nam.

Song, cũng trên Dân trí, Hoa hậu Oanh Yến nói thẳng băng là cô sẽ không nộp phạt. Bằng thái độ khá cương quyết, cô lý sự: “Tôi không biết Cục NTBD ở đâu và tôi không có mối quan hệ gì với bên Cục… Tôi sống cuộc đời của riêng tôi và tôi đi đâu, làm gì là việc của tôi. Tôi không làm bại hoại gia phong, không làm ảnh hưởng đến đất nước, dân tộc mình…

Mọi người hãy cứ xem như tôi là người bình thường đi chơi cho vui cũng được. Không cổ vũ, khuyến khích, ủng hộ tôi cũng không sao. Còn phạt tôi ư, không ai nuôi tôi một ngày, không ai cho tôi tiền để đi chơi... sao lại đòi phạt tôi? Tôi đi bằng tiền của tôi. Cuộc sống này là của tôi. Tôi đi du lịch sao phải đóng phạt?”.

Không dừng ở đó, người đẹp này còn đặt câu hỏi: “Tôi muốn hỏi tại sao nước bạn và bạn bè trên thế giới ai cũng thừa nhận, chúc mừng tôi chiến thắng vì đã xuất sắc giành được vương miện, vậy mà Việt Nam lại không mở cửa đón chào tôi hoặc cho tôi cơ hội. Sao không cho tôi được tự do sống của cuộc sống của riêng tôi mà lại mỉa mai, kéo tôi xuống mới chịu?”.

Những ý kiến trên đang gặp phải hai luồng dư luận khác nhau.

Phía ủng hộ quan điểm của Cục BDNT cho rằng việc đi dự các cuộc thi quốc tế phải được quản lý vì khi mang danh nghĩa người Việt Nam, tức là đại diện cho đất nước, không thể tùy tiện. Giả sử nếu như có điều gì đó “thất thố”, không chỉ cá nhân người đó mà còn có thể ảnh hưởng đến diện mạo quốc gia.

Một bạn đọc đã viết: “Nghe cô này nói mà không hiểu tại sao cô này lại làm hoa hậu được, bạn đại diện cho một quốc gia thì bạn phải tuân theo luật pháp của quốc gia đó, nếu quốc gia đó không đồng ý thì bạn lấy tư cách nào mà đại diện. Giả sử như bạn nói thế, cứ là người Việt Nam muốn đi thi đâu thì đi, là sẽ trở thành đại diện Việt Nam thì nếu lỡ có ai đó làm những trò hề nhưng lại mang danh đại diện của đất nước thì bạn nghĩ sao, nói mà chả có một chút ý thức gì hết!”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với cô hoa hậu Oanh Yến và lập luận rằng ở ta “cái gì cũng quản”.

Những người ủng hộ Oanh Yến lập luận ví như có một cuộc thi ảnh hay văn chương chẳng hạn, một tác giả Việt Nam gửi dự thi có phải xin phép không mà các người đẹp đi thi phải xin phép? Rồi một cuộc thi thể thao cũng thế, chả lẽ cái gì cũng “xin phép”, “xin phép”, đến mang vinh quang về cho đất nước cũng phải… “xin phép”?

Bạn đọc Nguyễn Hưng viết trên Dân trí: “Tôi ủng hộ cách trả lời của Oanh Yến và chúc mừng em. Nếu như một cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia thì chắc chắn Ban tổ chức sẽ liên hệ với quốc gia đó và đấy mới chính là người đại diện cần cấp phép. Còn nếu là một cuộc thi họ không bắt buộc các thủ tục rườm rà thì đâu phải cấp phép”.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng nói là qui định của Chính phủ nhưng theo “qui trình” của ta hiện nay, nó là sản phẩm của Cục BDNT và Bộ Văn hóa – Thể thao & du lịch trình. Trong khi đó, đã không ít lần các cơ quan soạn thảo những văn bản “trên trời”, thiếu thực tế, gây cản trở cho xã hội.

Không biết quan điểm các bạn thế nào, còn về phía cá nhân, mình thấy việc kiểm tra và điều chỉnh các văn bản cho phù hợp với thực tế cuộc sống và phù hợp với tinh thần hội nhập thế giới là điều cần thiết.

Tuy nhiên, trước khi có sự sửa đổi, thì dứt khoát phải tuân thủ những qui định hiện hành, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám