Những con số liệu có làm “choáng” vì… “váng”!
(Dân trí) - Nói thẳng ra, con cháu chúng ta giờ đây chẳng thể tài giỏi đến thế bởi cách đây một vài chục năm, việc một lớp có 2-3 học sinh giỏi đã là niềm mơ ước...
Thật ra thì hai từ “choáng” và “váng” thường đi cùng với nhau để chỉ một trạng thái “choáng váng” – tính từ.
Thế nhưng, người viết bài này muốn tách chúng ra thành hai từ có nghĩa khác hẳn nhau, một là “danh từ váng” và hai là “tính từ choáng” để chỉ một sự việc đang gây trạng thái “choáng váng” dư luận những ngày qua.
Đó là thông tin từ báo Dân trí, kết quả học tập của một lớp 6 tại Bà Rịa – Vũng Tàu có 43 học sinh thì 42 em đạt học lực loại giỏi, chỉ một em đạt loại khá. Nhìn vào bảng điểm, thí sinh “khá” này cũng… “suýt giỏi” bởi điểm tổng kết 7,9 (điểm giỏi là 8.0 trở lên).
Kết quả này đáng lẽ phải là niềm vui nức nở, song nó lại gây “choáng váng” dư luận bởi… chả mấy ai tin!
Mà cái sự không tin này hoàn toàn có lý và cũng chẳng lạ.
Nó có lý bởi chất lượng giáo dục của ta thế nào, chắc ai cũng biết.
Nói thẳng ra, con cháu chúng ta giờ đây chẳng thể tài giỏi đến thế bởi cách đây một vài chục năm, việc một lớp có 2-3 học sinh giỏi đã là niềm mơ ước...
Thế nhưng chuyện này lại không lạ bởi nó không chỉ diễn ra ở một lớp, một trường, một lĩnh vực mà có mặt ở không ít nơi khác.
Ví như giáo dục Việt Nam từng được đánh giá nằm trong tốp 10 các nền giáo dục tốt nhất thế giới mà mới đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa báo cáo để trình Quốc hội chẳng hạn.
Hay nó cũng giống như một sở có tới gần một chục lãnh đạo hoặc một cơ quan hầu hết là lãnh đạo, chỉ có một vài nhân viên…
Nhìn ở góc độ nào đó thì hiện tượng “đa quan” này cũng tức là toàn người tài, người giỏi cả (không giỏi, sao làm lãnh đạo).
Nhân tài thời nào cũng hiếm mà có hiếm mới quý, mới là tài chứ nhiều, sẵn thì sao gọi là tài được?
Người xưa có câu “Nhân tài như lá mùa thu” là chỉ sự quý hiếm của những chiếc lá còn sót lại trên cành mỗi độ thu sang.
Thế nhưng, giờ thi có vẻ “Nhân tài như lá… rụng mùa thu” bên bờ hồ Hoàn Kiếm?!
Trở lại với lớp học nói trên, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo, giải trình về vụ việc này.
Đây là việc làm cần thiết bởi nếu thật sự có một lớp học xuất hiện nhiều tài năng như thế, rất cần sự quan tâm đặc biệt.
Ngược lại, nếu nó chỉ là thứ “váng” như váng dầu, váng mỡ thì cần chấn chỉnh, không để dư luận “choáng” vì… váng mỡ, váng dầu.
Có lẽ, cái “nguy” ở đây còn ở chỗ lớp 6 là lớp đầu cấp Trung học cơ sở, e rằng phụ huynh tưởng con mình rất giỏi. Đến khi lên lớp 7,8,9 cái tỉ lệ học sinh giỏi vì bệnh thành tích nên có thể giữ vững hoặc tăng đến lúc thi vào lớp 10 (Trung học phổ thông) thi phu huynh không chỉ “choáng” mà còn “ngất” bởi số % học sinh đỗ vào quá thấp…
Nhớ lại ngay khi mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư Thành ủy TP HCM) nhận thấy rất rõ nguy cơ này nên đã đặt ra một trong những nhiệm vụ đầu tiên là xóa bệnh thành tích trong giáo dục.
Tiếc thay giờ đây, căn bệnh này không giảm mà thậm chí, còn ngày một trầm trọng và trong trường hợp này, có lẽ “bài ca thành tích” lại vang lên khiến không ít người đang “choáng” vì “váng”!
Bùi Hoàng Tám