Những cây dùi cui của “lý trưởng đời mới”!

(Dân trí) - Vụ trật tự đô thị phường Thịnh Quang, quận Đống Đa -Hà Nội lao ra đường chặn xe dân để xử phạt làm dấy lên làn sóng phản đối trong dư luận. Nhất là khi phía chặn xe cho rằng phải xử phạt để đáp ứng chỉ tiêu 50 triệu đồng/tháng.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

 Sau này, lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho rằng cấp dưới hiểu nhầm về chuyện chỉ tiêu nộp tiền.

Có phải áp lực định mức chỉ tiêu tiền phạt đã đẩy lực lượng trật tự ra đường chặn xe dân không? Có nhiều người giải thích như vậy, nhưng trong chuyện này cần phải nhìn ở góc nhìn khác. Đó là văn hóa ứng xử của những người tham gia trong lực lượng tự quản, trật tự đô thị cũng như công an địa phương.

Trong vụ việc vừa xảy ra, có công an trật tự phường Thịnh Quang chỉ huy cho nên  lực lượng tự quản mới lộng hành như vậy. Họ tự cho mình là đại diện chính quyền, to hơn dân, muốn ra oai với dân. Họ ngang nhiên cầm cây gậy chỉ vào mặt người khác và bắt dừng xe đột ngột. Hành động này có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện.

Một công dân có hành vi vi phạm Luật Giao thông, thì ngay cả cảnh sát giao thông cũng không được nói năng thô lổ, cư xử thiếu văn hóa, mà phải tôn trọng công dân. Người vi phạm thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, họ không phải tội phạm hình sự mà dùng đùi cui gí vào mặt hay quát nạt nặng lời đối với họ.

Quản lý địa bàn đảm bảo trật tự là trách nhiệm và công việc của chính quyền. Chính quyền có thể thành lập thêm lực lượng hỗ trợ nhưng không được trái thẩm quyền và lạm quyền. Trong vụ việc trên, ngoài sự ứng xử thiếu văn hóa, lực lượng trật tự còn có biểu hiện trái thẩm quyền. Không ai cho các vị ấy quyền chặn người điều khiển phương tiện để kiểm tra hay xử phạt thay cảnh sát giao thông.

Có không ít trường hợp lực lượng công vụ trấn áp người vi phạm luật giao thông như tội phạm. Mới đây tại Pleiku hơn chục cán bộ công an và dân quân tự vệ xã Trà Đa đuổi bắt, lên đạn súng AK, rút súng ngắn chĩa vào đầu một người dân. Nạn nhân khiếp hãi chạy vào phòng bảo vệ đóng cửa trốn. Các cán bộ không tha, dùng dùi cui và báng súng đập vỡ cửa kính để mở cửa vào. Tìm nguyên nhân của vụ tấn công, thậm chí có nổ súng này là gì? Thưa rằng, nạn nhân phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm, nhưng dám bỏ chạy.

Cả một đội trang bị súng ống để truy bắt một người phạm lỗi hành chính là không đội mũ bảo hiểm. Họ nổ súng thị oai, đánh đập công dân, đó là lạm quyền, thậm chí  hành vi đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Không phải một vài trường hợp ở Pleiku hay Hà Nội, lạm quyền ức hiếp dân đang xảy ra khá phổ biến.

Việc đặt ra chỉ tiêu dù tiền, hay chỉ tiêu khác có thể cần nhưng không là yếu tố quyết định để đạt hiệu quả về trật tự an toàn giao thông. Nếu như người thi hành công vụ lấy cái cớ chỉ tiêu để ráo riết tận thu hay lợi dụng tiêu cực trong khi thi hành công vụ thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Luật nghiêm nhưng thái độ ứng xử của người thi hành công vụ phải khoan hòa, đúng mực, văn minh và văn hóa thì luật mới đi vào cuộc sống. Còn ngược lại, dù có phạt đạt  gấp đôi chỉ tiêu dân cũng không phục, không sợ, mà khi dân xem thường nhân viên công quyền thì còn loạn hơn.

Ở ngay giữa thủ đô mà còn có những người lợi dụng quyền hành để bắt nạt dân, lạm quyền giữa thanh thiên bạch nhật. Thử hỏi, khắp nơi thôn cùng xóm vắng của đất nước này, sao tránh khỏi nạn lý trưởng đời mới? 

Lê Chân Nhân 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
 

Cám ơn các bạn!