Những “biệt phủ tàng hình” và câu thần chú “chính quyền không biết”
(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc “biệt phủ” mọc giữa đồng tại xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, tại buổi họp giao ban báo chí ngày 20/6, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đã nêu nhận xét: một công trình hoành tráng được xây dựng từ nhiều năm qua, nếu nói xã, huyện, cơ quan quản lý không biết gì thì không thể chấp nhận được.
“Cán bộ địa chính, Thanh tra Sở Xây dựng… mà không biết có một công trình lớn như thế tồn tại thì không ai tin được” - ông Trung quả quyết.
Chuyện là, có một khu nghỉ dưỡng sinh thái của một Việt kiều rộng khoảng 2 ha được xây dựng trên đất trồng lúa tại ấp Trà Ban 1, xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) từ nhiều năm qua.
Công trình hoành tráng này mọc lên gây xôn xao dư luận địa phương. Người dân lạ vì thấy có một ngọn núi nhân tạo lừng lững cao bằng tòa nhà 5 tầng ngay bên trong khuôn viên. Thế mà sau khi ngành chức năng kiểm tra thì mới phát hiện công trình xây dựng không phép và trên đất nông nghiệp.
UBND tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu kiểm điểm, kỷ luật các cán bộ địa chính – xây dựng xã Châu Hưng và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Lợi. Đồng thời, cán bộ thanh tra phụ trách địa bàn để xảy ra công trình xây dựng không phép cũng bị kiểm điểm còn vị Việt kiều kia bị xử phạt hành chính.
Quả như lời ông Chủ tịch tỉnh nói, với một công trình hoành tráng như vậy mà bảo “chính quyền không biết” thì không ai tin nổi. Thế nhưng, đây lại là kiểu giải trình rất phổ biến được dùng như câu “thần chú” để nhiều cơ quan chức năng thanh minh về sự “vô can” của mình trong rất nhiều trường hợp.
Phát biểu tại một phiên thảo luận hội trường tháng 11 năm ngoái, ĐB Nguyễn Sỹ Cương đã không khỏi ngao ngán thốt lên rằng: “Cái gì cũng có thể được giải thích là do buông lỏng quản lý. Sự giải thích đó luôn luôn đúng và mãi mãi đúng. Quản lý nhà nước lâu nay luôn chạy theo mọi vấn đề cần được quản lý, mà lẽ ra quản lý phải đi trước một bước”.
Vị đại biểu này đưa ra những ví dụ thực tế như: sập mỏ khai thác đá vài chục người chết; sạt lở bãi thải vài gia đình bị chôn vùi; lật du thuyền trái phép nhiều người chết hay cháy nhiều cơ sở karaoke chết nhiều người..., nhưng cứ xảy ra rồi “chính quyền mới lập cập đến và tuyên bố sẽ rà soát và xử lý nghiêm vi phạm”.
Có những vụ việc có thể giải thích vì lực lượng mỏng, không quán xuyến hết được. Nhưng cũng rất nhiều trường hợp chỉ có thể giải thích bằng thái độ làm ngơ, thông đồng với sai phạm mà lại vô cảm, thờ ơ trước những oan ức của nhân dân.
Thế mới có chuyện, trên một mảnh đất, có công trình bị yêu cầu dừng thi công nhưng đồng thời cũng lại có một biệt thự ngang nhiên triển khai dù không phép. Hay đơn thư kêu oan, tố cáo gửi hoài, gửi mãi rồi cuối cùng cũng trả về và nằm nguyên trên bàn cán bộ cấp địa phương cơ sở.
Nực cười ở chỗ, “chính quyền, kể cả lực lượng chức năng đóng trên địa bàn, việc gì không biết chứ trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất gì họ biết tuốt. Việc thăm hỏi là thường xuyên, thăm hỏi không phải để kiểm tra, xem xét hay chấn chỉnh vấn đề gì mà để xin kinh phí hỗ trợ. Một số người bức xúc gọi đây là xin đểu” – xin trích lời vị đại biểu trên đã nói trước Quốc hội.
Cái sự “biết” hay “không biết” ở đây của cán bộ cấp cơ sở nhiều khi không phụ thuộc ở khả năng, trình độ nhận thức, không phụ thuộc ở mức độ nhạy bén, bám sát thực tế đời sống hay không, mà phụ thuộc vào những yếu tố quan hệ ngoài chuyên môn, sổ sách. Nên với người dân mà nói, “công chức nhỏ” thực chất chẳng “nhỏ” chút nào, họ là những “ông vua con” đầy quyền lực, quyết định việc nhanh hay chậm, thành hay bại của công việc đang cậy nhờ.
Trong một dịp tiếp xúc cử tri hồi tháng 4 vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Chúng ta phải phòng ngừa chứ không để vụ việc xảy ra rồi mới khắc phục”. Bà Ngân đề nghị: “Chính quyền cần quan tâm bức xúc của người dân, phải biết lắng nghe, đối thoại với người dân”.
Điều mà Chủ tịch Quốc hội nói cũng là điều mà người dân mong đợi. Nhưng để từ lời nói đến hành động, từ quyết tâm của cấp trên đến việc làm của cấp dưới… thì không thể chỉ nằm ở sự dặn dò, đề nghị mà phải gắn với chế tài, luật pháp.
Bởi, khi người dân sai phạm, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn khi những người trong bộ máy chính quyền sai phạm, cũng không thể một lời “xin lỗi” hay “nhận trách nhiệm” suông, qua loa đại khái mà xong!
Bích Diệp