"Nhà quê"
(Dân trí) - Lâu nay tôi đã nghe từ này nhiều, và cũng không để ý lắm cho tới khi nhờ một người bạn dịch nghĩa đen. Hóa ra đó thậm chí không phải là tên người, mà đại khái là "ngôi nhà ở vùng quê".
Tôi khá là ngạc nhiên, vì vẫn luôn nghe thấy từ đó được dùng theo những cách mang tính lăng mạ như "Trông cái đồ nhà quê kìa".
Tại sao đến từ vùng quê thì là xấu nhỉ?
Không phải là nước Mỹ tốt đẹp gì hơn, mà chỉ khác biệt. Mặc dù thành thị chiếm đa số ở đất nước chúng tôi, nhưng tất cả mọi người đều muốn giả vờ là họ có gốc quê. Chúng tôi mua những chiếc xe SUV có thể leo được núi, nhưng thực tế chỉ lái chúng tới những bãi đậu xe.
Mẹ tôi sống ở vùng núi bang North Carolina. Đó là nơi "quê" nhất có thể. Nhưng khi tôi tới thăm bà, chúng tôi dành phần lớn thời gian lái xe qua những đường cao tốc láng mịn và tới những khu mua sắm và rạp chiếu phim.
Tôi không rõ tại sao chúng tôi quá mê mẩn với gốc quê, nhưng đúng là thế. Chúng tôi yêu những chàng cao bồi. Chúng tôi thèm có phong cách "bụi bụi", hoặc ít ra là giả vờ như vậy.
Thực tế là, cho các bạn biết nhé: Một người không thể trở thành Tổng thống Mỹ mà không khoác lên mình chiếc áo của dân lao động, xắn tay, và diễn thuyết về việc mình đã vươn lên từ một nền tảng khiêm tốn ra sao. "Cha tôi từng là một nông dân; Mẹ tôi làm tạp vụ vào ca đêm; Tôi đã tự trang trải học phí bằng nghề xúc rác..."
Phần lớn là chuyện tào lao.
Không ai thực sự kiểm tra quá nhiều về những thứ như vậy. Tôi không tin là kể từ sau Theodore Roosevelt chúng tôi có Tổng thống nào có lấy một ngón tay bị chai. Và nếu ông nào có chai tay đi nữa, thì cũng chỉ là từ các hoạt động giải trí mà ra, chứ không phải vì ông ta phải làm việc chân tay.
Nhiều thứ ở Việt Nam có vẻ lộn ngược. Hay cũng có thể ở Mỹ mọi thứ đều lộn ngược. Không thể biết được.
Nhưng tôi thấy rằng việc ghét bỏ một ai đó vì họ ở quê ra không chỉ là sự bất công, mà còn là sự thiếu hiểu biết. Từ dân văn phòng cho tới các lãnh đạo. Tất cả các bạn, tất cả chúng ta, đều ăn cơm. Mà cơm thì từ đâu mà ra?
Cơm đến từ những người đôi khi bị trêu chọc là "nhà quê".
Lý do duy nhất những người thành thị đầy tự mãn có sức mạnh để chỉ trỏ và cười cợt những người có bàn tay dính bùn đất, và, vâng, có thể đôi khi cư xử không tốt, là vì thứ lương thực họ trồng và mang lại cho chúng ta.
Những bông hoa bạn mua cho vợ hoặc bạn gái vào ngày Quốc tế Phụ nữ? Ai trồng chúng? Ai chở chúng trên yên xe máy, từ một tỉnh ngoài, tới thành phố vào lúc 4h sáng?
Một lần tôi tới Megastar, một rạp chiếu phim ở Hà Nội. Trước khi phim chiếu có một đoạn phim ngắn, nhắc nhở mọi người tắt điện thoại.
Đoạn phim này có hai cặp trai gái: một cặp ăn mặc lịch sự, cặp kia rõ ràng là nhà quê. Thông điệp cuối cùng là: "Hãy tắt điện thoại. Đừng "nhà quê"".
Tôi rất ủng hộ văn hóa cư xử. Có rất nhiều thứ khiến tôi phiền lòng. Thực ra tôi hơi khó tính là đằng khác. Nhưng ở Hà Nội thì tôi cũng gặp nhiều chuyện phiền lòng như khi ở các vùng quê mà thôi.
Thúc đẩy nâng cao văn hóa cư xử là một ý tưởng tuyệt vời. Mọi người đều nên làm. Tuy nhiên, một trong những nỗi thất vọng - trong vô số điều tuyệt vời khác mà tôi đã học được từ tiếng Việt - là cách cư xử thiếu văn hóa bị đồng nghĩa với việc đến từ vùng quê.
Tôi là một người mới và là người đang học hỏi. Nhưng tôi sẽ đề nghị một ân huệ từ người Việt ngay từ bây giờ. Đó là chúng ta có thể thay từ này được không? "Nhà quê" không nên mang nghĩa thiếu hiểu biết, ngu dốt hoặc đần độn. Vì nó không phải thế. Số người thiếu hiểu biết, ngu dốt hoặc đần độn ở Hà Nội cũng thế. Ở Los Angeles, London hay Paris cũng vậy.
Chúng ta có thể thay từ đó bằng một từ nào khác? Đúng, đôi khi cần có một từ lăng mạ "hay". Tôi nhiều lúc cũng muốn có một từ "đắt" để "nói vào mặt" những người cư xử kém. Nhưng tôi từ chối sử dụng từ "nhà quê".
Brian
(U.M dịch)