Người nghèo khó trong Covid-19, họ là ai?
(Dân trí) - Điều cần thiết bây giờ là nhận diện đúng, trúng đối tượng và hỗ trợ thật kịp thời - "hỗ trợ ngay để người dân yên tâm ở nhà", như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung...

"Không được để người dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân khó khăn. Long An cần hỗ trợ ngay cho những người lao động tự do, người bán vé số, bán hàng rong... để người dân yên tâm ở trong nhà chống dịch. Nếu người dân thiếu ăn, thiếu mặc là các đồng chí có lỗi với nhân dân".
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh Long An trong bối cảnh địa phương này đã ghi nhận hơn 400 ca bệnh, công tác phòng, chống dịch đang được triển khai khẩn trương, một số nơi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Do Long An là nơi trung chuyển giữa TPHCM với các tỉnh miền Tây, nên nếu "vỡ trận" sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, những nơi nào đang áp dụng Chỉ thị 16 ở Long An đều được yêu cầu phải "làm nghiêm", không lặp lại những sai lầm, khuyết điểm của nơi khác.
Bài toán vừa chống dịch vừa đảm an sinh và sản xuất ở đây là chuyện không riêng gì với Long An mà với rất nhiều địa phương khác trong cả nước, vốn đang phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 15+ hoặc Chỉ thị 16.
Một khi đã giãn cách, đương nhiên đều phải "làm nghiêm". Nếu không làm nghiêm thì công cuộc chống dịch không đạt hiệu quả, lãng phí rất lớn thời gian và nguồn lực của cả người dân lẫn chính quyền. Tuy nhiên, trong quá trình giãn cách đó, rất nhiều tầng lớp người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế.
Người chủ doanh nghiệp hay người làm công ăn lương, người chủ hàng hay người vận chuyển, người sống ở nông thôn hay bôn ba nơi thành thị, người lao động chính thức hay lao động tự do… tất cả đều bị tác động, song, mức độ tác động và sự chịu đựng của mỗi trường hợp lại khác nhau.
Ngày 11/7, Dân trí có bài viết phản ánh tình trạng "dịch chồng dịch" xã Phổ Châu (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) khiến người dân lao đao. Trong khi người dân đang gồng mình chống chọi với dịch Covid-19 thì đàn bò cũng bị bệnh viêm da nổi cục "quật ngã".
"Nhìn đàn bò mắc bệnh hết con này đến con khác mà nóng ruột. Dịch Covid-19 người dân đã khổ, giờ lại dịch trên đàn bò nữa. Không biết tính sao luôn!", anh Lê Minh Vương (thôn Châu Me, xã Phổ Châu) trải lòng.
Với người nông dân, con trâu con bò là công cụ sản xuất, đồng thời cũng là tài sản rất lớn. Khi vật nuôi bị dịch bệnh, nhiều người dân trắng tay. Họ chỉ còn lại nợ nần.
Khó khăn là những gì đang và có thể sẽ tiếp tục diễn ra với rất nhiều những đối tượng khác, khi mà ngoài Covid-19, còn có những mối nguy rình rập: thiên tai, bệnh tật, tai nạn… Ngay cả với những gia đình có "của ăn, của để" thì "miệng ăn núi lở", số tích lũy khó mà trang trải, chống chịu được lâu dài.
Vì thế, ông André Gama, phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về các giải pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Điều cần thiết bây giờ là nhận diện đúng, trúng đối tượng và hỗ trợ thật kịp thời - "hỗ trợ ngay để người dân yên tâm ở nhà", như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.
Nói cách khác, để kiểm soát dịch thành công và đảm bảo được an sinh - đạt được hai nhiệm vụ đó cùng lúc, bên cạnh chính sách tốt còn cần tâm huyết của cán bộ với nhân dân, cần sự lắng nghe và thấu hiểu, để dẫu khó khăn nhưng không ai phải rơi vào tình cảnh "cùng khổ" giữa đại dịch này.