Người dân mong đợi gì sau Đại hội Đảng?

(Dân trí) - Một khi tất cả là những “bàn tay sạch”, không “nhúng chàm”, nhất là sau một Đại hội “dân chủ, đoàn kết, kỉ cương, trí tuệ” như lời TBT Nguyễn Phú Trọng, chắc chắn công cuộc phòng chống tham nhũng và lãng phí sẽ thành công, phải không các bạn?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đại hội Đảng XII đã thành công tốt đẹp trên tinh thần dân chủ và đặc biệt, là sự chuẩn bị kĩ lưỡng về nhân sự với sự sàng lọc khắt khe qua các tiêu chí như không đưa vào BCH những người “Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay – TBT Nguyễn Phú Trọng”.

Với những tiêu chí khắt khe này, Đảng đã lựa chọn những cá nhân tiêu biểu để tập hợp thành một đội ngũ lãnh đạo tiêu biểu. Vì thế, nhân dân có quyền hi vọng, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt, công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ đạt kết quả cao bởi sự thanh liêm của bộ máy lãnh đạo.

Về tình trạng tham nhũng, Báo cáo tại Đại hội Đảng vừa qua đã nêu rõ: “Lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”.

Tại phần “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, Báo cáo nhấn mạnh: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Các cấp uỷ đảng, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng”.

Song muốn thực hiện thành công công cuộc phòng chống tham nhũng, yêu cầu đầu tiên và trên hết là những bàn tay “không nhúng chàm” của mỗi cá nhân UV BCH TW Đảng. Còn ngược lại, như lời của TBT Nguyễn Phú Trọng “Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng” hay như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Có tham nhũng hay không trong lực lượng chống tham nhũng”.

Cùng với những nhiệm vụ quan trọng như xây dựng và bảo vệ đất nước, điều mà người dân mong mỏi nhất sau Đại hội Đảng là thực hiện thành công công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, xóa bỏ tình trạng “không ít vợ con của các quan chức đi “buôn bán”, kể cả “buôn thần, bán thánh” và bản thân quan chức cũng tham gia hoạt động “lợi ích nhóm” tiêu cực, buôn bán dự án, đất đai, giấy phép, cấp tiền, cho vay và mua bán cả chức quan lớn, bé…” như lời cảnh báo của TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Một khi tất cả là những “bàn tay sạch”, không “nhúng chàm”, nhất là sau một Đại hội “dân chủ, đoàn kết, kỉ cương, trí tuệ” như lời TBT Nguyễn Phú Trọng, chắc chắn công cuộc phòng chống tham nhũng và lãng phí sẽ thành công, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám