Người dân hoài nghi, lo sợ với dự án giao thông, thưa Bộ trưởng Thể!
(Dân trí) - Cần phải rất thận trọng trong việc ký kết cũng như lựa chọn nhà thầu. Không được để nhà thầu lôi vào “tròng”, đi cũng dở, ở không xong như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và một số công trình giao thông khác.
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện đầu tư tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) giai đoạn 1, tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông), chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).
Tại TPHCM, Chính phủ đang chỉ đạo UBND thành phố thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương). Hai dự án đang thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, sau khi đã xin ý kiến Bộ Chính trị.
Đây là chủ trương rất đúng trong chiến lược phát triển giao thông, phù hợp với sự phát triển của đô thị của nước ta hiện nay.
Song, người dân thì không khỏi lo sợ và sự lo sợ của họ không phải không có cơ sở bởi ở ta, giữa chủ trương và thực hiện nhiều khi là một khoảng cách không nhỏ. Thậm chí, đã không ít lần việc thực hiện không tốt dẫn đến phá hỏng cả một chủ trương đúng đắn mà trong lĩnh vực giao thông thì tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một điển hình.
Đây có lẽ được coi như một biểu tượng về các kỉ lục tồi tệ, từ việc đội vốn, chất lượng công trình không đảm bảo, gây tai nạn, ách tắc giao thông… đến sự chậm trễ tới cả gần chục lần lỗi hẹn và hiện tại, cũng chưa biết khi nào thì tuyến đường này đi vào vận hành thương mại.
Cho nên có sự hoài nghi, lo sợ và cả chán nản của người dân cũng là điều dễ hiểu.
Có lẽ vì thế, trả lời phỏng vấn Dân trí sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Bộ GTVT không đề xuất làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai. Bộ không họp bàn gì về dự án này, Bộ chỉ làm đường sắt quốc gia. Mạng lưới đường sắt đô thị với 8 tuyến là quy hoạch của Hà Nội, hiện tại chưa có chủ trương về dự án”.
Người viết bài này đề nghị với những dự án mới này, dù ai làm đi nữa thì Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cần phải rút kinh nghiệm, nghiên cứu thật kỹ và nên có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ Chính phủ, Quốc hội đồng thời đặt ra yêu cầu không để xảy ra tình trạng đội vốn, mất an toàn và phải đảm bảo đúng thời hạn, đúng yêu cầu kỹ thuật.
Đặc biệt là phải rất thận trọng trong việc ký kết cũng như lựa chọn nhà thầu. Không được để nhà thầu lôi vào “tròng” như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và một số công trình giao thông khác.
Muốn vậy, cần cụ thể trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm.
Thật lòng, với các dự án giao thông, không biết ý kiến các bạn thế nào, còn tôi, rất thật lòng là đang có sự hoài nghi, lo sợ, thưa Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể!
Bùi Hoàng Tám