Nghiêm minh, nhưng không tước đi cơ hội của người lầm lỗi!
(Dân trí) - Người xưa có câu “Ngã xuống từ vũng bùn nào, đứng lên từ vũng bùn đó”, “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Nếu ông Hanh đã thành tâm sửa chữa, xin hãy trao cho ông cơ hội.
Việc Tổng cục Môi trường đã giới thiệu ông Lương Duy Hanh là một trong số 5 người quy hoạch vào chức danh vụ trưởng 02 đơn vị trực thuộc Tổng cục đang dấy lên những luồng tranh luận đối lập - phản đối và đồng tình.
Lý do, tháng 6.2017, ông Hanh từng bị kỉ luật ở mức cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) trong sự cố Formosa.
Phía không đồng ý cho rằng người đã bị kỉ luật thì không nên bố trí vào cương vi lãnh đạo và đặt câu hỏi phải chăng Bộ Tài nguyên và Môi trường hết người tài nên phải sử dụng cả những người đã từng vi phạm.
Phía đồng tình thì cho rằng việc vi phạm đã được xử lý thỏa đáng và thời hạn bị thi hành kỉ luật đã qua nên cần phải tạo cơ hội để họ “hoàn lương”, cống hiến và tiếp tục phấn đấu.
Trước hết, theo người viết bài này với ai cũng thế, việc mắc sai lầm, khuyết điểm là điều không mong muốn. Song, người xưa có câu: “Không ai nắm tay từ tối đến sáng” hay “Vua chúa còn có khi lầm”…
Trong cuộc đời mỗi con người, không ai dám nói mình không có những sai lầm. Đã không ít người vi phạm, nhẹ thì kỉ luật phê bình, khiển trách, cảnh cáo…, nặng thì bị truy tố trước pháp luật.Dù là hình thức kỉ luật nào cũng là nhằm giúp cho người vi phạm nhận ra sai lầm mà sửa chữa, khắc phục để hoàn lương hoặc tiến bộ trên tinh thần đúng pháp luật và nhân văn.
Thực tế, đã từng có người từng bị luật sau đó, vẫn trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước và luôn là tấm gương mẫu mực.
Trong làng báo chúng tôi cũng vậy. Đã từng có hơn một nhà báo vi phạm bị tước thẻ hành nghề (thẻ Nhà báo). Song, bằng nghị lực của mình, họ đã vươn lên trong đó, không ít người được bổ nhiệm những chức vụ rất cao.
Nói như thế không có nghĩa là biện minh cho tội lỗi. Tội, dứt khoát phải xử. Lỗi, có những lỗi có thể “xin” nhưng có những lỗi thì không. Càng không vì “lá bùa” nhân văn để làm nhẹ bản chất vụ việc.
Cách đây ít lâu, trong mọt lần tiếp xúc cử tri Ba Đình trước kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói:
"Luật pháp cũng nhân văn mở đường cho người ta, đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại. Nhưng đó không phải cái cớ để xử nhẹ, không kiên quyết. Phải làm nghiêm, đúng luật pháp".
Về phía luật pháp của Nhà nước ta hiện nay, luôn đề cao tính nguyên tắc và tinh thần nhân văn truyền thống. Ngay cả đối với những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng (trừ một số tội danh đặc biệt nghiêm trọng) đều được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
Từ góc độ đó, nhìn nhận vụ việc ông Lương Duy Hanh, trước tiên xét về những qui định của tổ chức Đảng.
Tại Quy định 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử qui định: “Đảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn”.
Về mặt Nhà nước, tại Điều 82, mục 2, Luật Cán bộ, Công chức qui định: “Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, việc xem xét đưa ông Hanh vào diện qui hoạch không trái với qui định của Đảng và Nhà nước vì đã qua thời hạn thi hành kỉ luật 12 tháng (ở đây là 27 tháng, từ tháng 6/2017 – 10/2019).
Xét về quá trình công tác của ông Hanh sau khi bị kỉ luật, Vụ Pháp chế nơi ông Hanh đang công tác nhận xét: “Mặc dù bị kỷ luật nhưng đã luôn cố gắng, nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Việc ông Hanh được giới thiệu vào quy hoạch thể hiện sự đánh giá, ghi nhận của cơ quan, đơn vị để cán bộ tiếp tục có ý thức rèn luyện, phấn đấu”.
Như vậy có thể nói về mọi khía cạnh, việc qui hoạch ông Hanh là đúng với qui định hiện hành, vừa thể hiện sự nghiêm minh, vừa thể hiện tinh thần nhân văn truyền thống.
Người xưa có câu “Ngã xuống từ vũng bùn nào, đứng lên từ vũng bùn đó”, “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Nếu ông Hanh đã thành tâm sửa chữa, xin hãy trao cho ông cơ hội.
Cũng đừng vì ai đó lý lịch “có vết” để rồi mãi mãi họ không vươn lên được bởi đó cũng chính là chủ nghĩa lý lịch, một tư tưởng đã làm hại không biết bao nhiêu tài năng trong quá khứ!
Vả lại ở ta, từ việc qui hoạch đến bổ nhiệm còn là con đường không hề ngắn.
Theo các bạn, có nên qui hoạch ông Hanh hay không và có thì vì sao? Không cũng vì sao?
Bùi Hoàng Tám