Nghĩa cử của lương y
(Dân trí) - Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 trị giá 200 triệu đồng đã được trao cho nhóm tác giả đề tài các "Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú".
Đây là đề tài được đánh giá mang tính thực tiễn cao, nâng tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú lên đến 95% nếu bệnh nhân được chẩn đoán giai đoạn sớm và điều trị khỏi tất cả các giai đoạn là 75%. Kết quả cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong mạng lưới các bệnh viện ung bướu trong cả nước.
Có thể nói, với trên 42.000 người đang phải sống cùng căn bệnh ung thư vú, kết quả này là một kỳ tích với y học Việt Nam, mang lại hi vọng cho biết bao bệnh nhân đang ngày ngày phải chiến đấu với căn bệnh nan y quái ác này.
Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) Nguyễn Đình Anh cũng đánh giá, đây là một "kết quả ngoạn mục khi mà điều kiện của Việt Nam chưa bằng các nước phát triển, nhưng tỉ lệ điều trị khỏi bệnh là tương đương".
Ngưỡng mộ những thành quả của nhóm nghiên cứu, tự hào vì được làm việc tại Dân trí - tờ báo bền bỉ lựa chọn, vinh danh những tài năng, trí tuệ Việt suốt 14 năm qua, người viết càng trân trọng, cảm phục nghĩa cử của nhóm tác giả gồm GS.TS Trần Văn Thuấn cùng các cộng sự khi nhận số tiền thưởng trị giá 200 triệu đồng từ Ban tổ chức trong ngày 14/1 vừa qua.
Trong lễ nhận giải, GS Thuấn thay mặt nhóm tác giả đã trao tặng 100 triệu đồng cho Quỹ Ngày mai tươi sáng, 100 triệu đồng dành tặng Quỹ Nhân ái của Báo Dân trí để dành tặng các trường hợp khó khăn.
Theo đó, toàn bộ số tiền thưởng đã được trao đi với tấm lòng y đức, nhân ái của những nhà khoa học, những bác sĩ đầy tâm huyết ở bệnh viện K. Điều đó càng làm sâu sắc hơn ý nghĩa của giải thưởng danh giá được trao trong lĩnh vực y dược này.
Vốn dĩ công việc giúp bệnh nhân giành giật lại từng phút giây của sự sống của các bác sĩ ở bệnh viện K đã vô cùng cao cả, nghĩa cử trao tặng lại giải thưởng cho các trường hợp khó khăn lại càng lan toả ý nghĩa nhân văn, nêu gương truyền thống "lá lành đùm lá rách" trong cộng đồng.
Dẫu không phải ai cũng có thể tạo nên những công trình nghiên cứu đồ sộ như TS Thuấn và cộng sự nhưng bất cứ ai cũng đều có thể tạo nên những hành động đẹp, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đáng sống hơn mỗi ngày.
Còn nhớ năm xưa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng có câu:
"Thiện tâm cốt ở cứu người
Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu
Biết vui nghèo cũng hơn giàu
Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn..."
Mới thấy rằng, điều làm nên tầm vóc của những lương y, dù ở vào thời đại nào cũng thế, ấy chính là luôn biết đặt chữ Tâm bên cạnh chữ Tài! Tài năng khiến người đời thán phục còn lòng tốt khiến bất cứ ai cũng cúi đầu.
Bích Diệp