Nghĩ về thông điệp “các đồng chí chờ xem” của ông Nguyễn Phú Trọng

(Dân trí) - Với thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, năm 2020 chắc chắn sẽ là năm giông bão giáng lên đầu những phần tử tham nhũng. Họ sẽ không có một đêm ngủ yên bởi nơm nớp sống trong nỗi lo “tổ chức gọi tên mình”.

Nghĩ về thông điệp “các đồng chí chờ xem” của ông Nguyễn Phú Trọng - 1

Trước thềm năm mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát đi một thông điệp rất cứng rắn, đúng như tính cách của ông đối với công cuộc “đốt lò” do ông khởi xướng và lãnh đạo.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 30.12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói:

“Vừa mới gần đây thôi, chúng ta xử mấy vụ rồi bổ sung thêm mấy vụ vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý. Tới đây còn tiếp tục xử lý, các đồng chí chờ xem”.

Trước hết, cần khẳng định, chúng ta vừa đi qua năm 2019 một cách đầy ngoạn mục đặc biệt ở hai lĩnh vực rất quan trọng, đó là phát triển kinh tế và phòng chống tham nhũng.

Nếu ở lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã có sự tăng trưởng hơn 7% thì trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, cũng có tới 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỉ luật và đề nghị thi hành kỉ luật.

Trong đó, có cả nguyên Phó Thủ tướng, nhiều Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng, tướng lĩnh, Đô đốc, Phó đô đốc cũng bị kỉ luật và đề nghị thi hành kỉ luât.

Năm nay và không khó để dự đoán cả các năm tới, với thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa nói ở trên, công cuộc phòng chống tham nhũng chắc chắn sẽ quyết liệt hơn. Nói như dân gian, “lò” tiếp tục bùng cháy.

Thật ra điều này không khó để dự đoán bởi cuối năm 2018, trong bài “Nghĩ về phương cách đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng” đăng trên BLOG Dân trí tháng 12.2018, tôi đã đặt câu hỏi về “phương cách đốt lò” của ông Trọng và tự tìm cho mình câu trả lời.

“Đó  là kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng nghỉ. Có lý, có tình, thận trọng, không nóng vội, tránh oan sai và đặc biệt là phát hiện sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.

Về kiên quyết, kiên trì, có thể nói Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư rất quyết tâm trong việc chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng đến cùng, không có vùng cấm.

Việc này không phải là làm theo phong trào, lúc lên, lúc xuống mà kiên nhẫn, bền bỉ, không ngừng nghỉ. Tóm lại, ngày nào còn cầm quyền thì ngày đó, Đảng còn phải phòng, chống tham nhũng một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc xử lý luôn có lý, có tình, có cân nhắc công - tội. Có tăng nặng, có khoan hồng khiến đối tượng tâm phục, khẩu phục…

Với phương cách phòng, chống tham nhũng hiện nay, có thể nói Đảng, Nhà nước mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa sâu sắc phương cách của cha ông để lại. Đó là “Đánh chuột, không để vỡ bình”, “Trị một người, cứu vạn người” và “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”.

Nghiêm khắc và nhân văn, đặc biệt là lấy giáo dục, răn đe làm đầu mới là phương cách phòng, chống tham nhũng sâu xa nhất”. Bài báo viết.

Giờ đây, đọc những con số cán bộ, đảng viên vi phạm bị phát hiện vừa mừng vừa buồn.

Mừng vì công cuộc “chống giặc nội xâm” đang được thực hiện một cách quyết liệt. Song, buồn vì sao nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ thậm chí cao, rất cao vi phạm đến thế?

Rồi cơ chế nào đủ sức để ngăn chặn, không cho phép họ tham nhũng dù họ muốn?... Thôi, xin không đi sâu vào vấn đề này bởi sẽ có rất nhiều câu hỏi.

Trở lại với thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, năm 2020 chắc chắn sẽ là năm giông bão giáng lên đầu những phần tử tham nhũng. Họ sẽ không có một đêm ngủ yên bởi nơm nớp sống trong nỗi lo “tổ chức gọi tên mình”.

 Bùi Hoàng Tám