Nghĩ về “thắng lợi một nửa” trong chống tham nhũng

(Dân trí) - Những ngày này, tại hai đầu đất nước đang diễn ra hai vụ án nghiêm trọng, đều liên quan đến kinh tế (Trầm Bê + Phạm Công Danh và Đinh La Thăng + Trịnh Xuân Thanh). Tuy chưa có kết luận chính thức từ tòa án, chỉ nghe những con số thất thoát, tham nhũng, hối lộ cứ tỉ nọ, tỉ kia trong cáo trạng đã xót hết cả ruột.

Nghĩ về “thắng lợi một nửa” trong chống tham nhũng - 1

Nhưng càng sốt ruột, càng xót xa hơn, dù các vụ án trên chưa được tòa kết luận nhưng không khó để dự đoán, số tiền qui trách nhiệm cho các bị cáo sẽ rất ít so với những tổn thất mà họ gây ra. Càng xót hơn nữa khi ngay cả với số tiền quá ít ỏi so với số tiền thất thoát thì khả năng thu hồi được cũng thấp, rất thấp...

Nhớ vụ án Phạm Thanh Bình, tòa kết luận số tiền thiệt hại 500 tỉ đồng (một phần rất nhỏ trong tổng tổn thất của Vinashin) thì với mức án 20 năm, tức là 25 tỉ cho 1 năm tù cũng tức là hơn 2 tỉ đồng/tháng.

Số tiền này thời điểm đó mua được 1-2 căn hộ sang trọng ở một thành phố lớn hoặc tương đương với lương của khoảng 800 người lao động/tháng ở các khu công nghiệp.

Vì là khối tài sản “khủng” như thế nên Phạm Thanh Bình có mà… điên mới trả. Tù cũng tù rồi. “Hi sinh đời bố, củng cố đời con” như dân gian thường nói là… thượng sách.

Thế nhưng tại tòa, Phạm Thanh Bình còn nói thẳng là không nộp cả… án phí: "Bản án sơ thẩm tuyên tôi phải nộp hơn 650 triệu đồng án phí dân sự nhưng gia đình tôi bố mẹ đều là người làm cho Nhà nước, bản thân tôi cũng vậy, nên mức án phí như vậy thì khả năng gia đình tôi không thể thực hiện được". Tiền thất thoát không khắc phục, đến tiền án phí cũng không nộp thì cù nhầy đến thế là cùng.

Công bằng thì gần đây, việc thu hồi tài sản có khả quan hơn. Song, con số cũng dừng ở mức rất… khiêm tốn. Tháng 11/2017, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết năm 2017, tài sản thu hồi chiếm 29% lượng tiền và 50% về đất đai tài sản. Trong khi đó, năm 2016, con số này là 38,3%.

Cũng tại Nghị trường hôm đó, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) dẫn chứng, báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cho thấy, chỉ thu hồi được 7,82% số tiền và 54,75% về đất.

Ngày 1/12 vừa qua, tiếp xúc với cử tri các Quận 1, 3, 4 (TPHCM), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nói:"Vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì buổi làm việc và chỉ đạo đưa 23 vụ án tham nhũng lớn ra xử lý tiếp. Bỏ tù mà tài sản không thu được thì thắng lợi mới có một nửa”.

Điều lo ngại là các đối tượng tham nhũng ngày càng tinh vi hơn, liều lĩnh hơn. Đặc biệt là lợi dụng chính sách khoan hồng, chúng thực hiện triệt để tư tưởng “Hi sinh đời bố, cũng cố đời con”.

Theo thông tin từ báo chí, trước khi Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) bị bắt, hầu hết số tài sản đã kịp thời “thay tên, đổi chủ”. Không biết rồi đây, nếu tòa án kết luận đó là tài sản bất minh thì sẽ thu hồi như thế nào?

Có lẽ cũng xin một lần nữa nhắc lại lời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “Bỏ tù mà tài sản không thu được thì thắng lợi mới có một nửa”.

Bùi Hoàng Tám