Nghĩ về sự kiện tự phong giáo sư
(Dân trí) - Các trường đại học tự phong giáo sư mà chất lượng thấp thì họ sẽ bị đào thải, xã hội sẽ quay lưng, giới học thuật và nghiên cứu khoa học sẽ tẩy chay. Cuộc sống sẽ có cơ chế loại trừ những thứ giả dối.
Sự kiện tự phong giáo sư, phó giáo sư của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn tuần qua. Thế mới hay, điều gì muốn đổi mới, việc gì đột phá, ai dám đi tiên phong thì luôn gặp phải những phản ứng khác nhau từ cộng đồng.
Tôi nghĩ, đối với các nước, việc một trường đại học phong giáo sư cho ai là chuyện quá bình thường, chẳng là sự kiện để báo chí quan tâm. Người được phong giáo sư cũng không lấy đó làm như được “phong thánh”, bởi vì họ xem đó là sự phân công trong công việc giảng dạy ở cấp cao hơn ít nhất là trong phạm vi của trường mình dạy. Nếu trường có danh tiếng thì giáo sư của trường đó có uy tín cao, còn bình thường thì việc ai nấy làm, cơm ai nấy ăn. Không có chi phải rộn ràng. Còn dạy học thì giáo sư, hết dạy thì không gọi là giáo sư. Còn nghiên cứu khoa học thì còn là giáo sư, hết nghiên cứu và không có công trình mới thì xin mời anh làm chuyện khác.
Riêng Việt Nam, giáo sư là học hàm và danh hiệu rất cao quý. Những người được phong giáo sư, phó giáo sư là vĩnh viễn, họ không phải giáo sư của một trường mà của cả quốc gia. Họ không chỉ có nơi họ làm việc trả tiền mà họ còn có bổng lộc của nhà nước. Họ không đi dạy nữa nhưng họ vẫn là giáo sư, họ đi làm việc ở cơ quan chính quyền, đoàn thể, thì họ vẫn là giáo sư. Việt Nam mình khác thế giới như vậy đó.
Người ta lo lắng nếu để các trường đại học tự phong giáo sư thì sẽ loạn giáo sư, điều này quá đúng, nhưng không thể vì lo điều này mà không cho các trường thực hiện tự phong giáo sư theo thông lệ quốc tế. Điều quan trọng là phải có bộ tiêu chuẩn để phong giáo sư, không thể cho các trường phong hàng loạt.
Lo các trường phong giáo sư sẽ không đạt chất lượng, vậy thì giáo sư, phó giáo sư do hội đồng nhà nước phong đạt chất lượng hay sao? Xin thưa là chưa chắc. Không ít giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam dự hội thảo quốc tế không nói được tiếng Anh hoặc những ngôn ngữ thông dụng khác. Chuyện này không hiếm. Chưa kể, có không ít giáo sư, phó giáo sư ngoài cái hư danh đó ra, không ai biết họ có công trình gì, công trình đó mang lại giá trị gì?
Việt Nam có nhiều giáo sư, phó giáo sư nhưng có mấy ai được một trường đại học ở nước ngoài mời giảng dạy với tư cách là giáo sư?
Theo tôi, hãy để cho các trường đại học có quyền tự chủ trong đào tạo và nghiên cứu, trong giao lưu quốc tế và hội nhập, trong quyết định nhân sự có chức danh giáo sư và phó giáo sư, trên cơ sở những tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế. Đừng dị ứng với cái mới, đừng cho rằng việc phong giáo sư thì phải độc quyền của một hội đồng nhà nước, để các trường tự phong thì loạn.
Độc quyền phong giáo sư cũng là một sự ngăn cản phát triển học thuật.
Các trường đại học tự phong giáo sư mà chất lượng thấp thì họ sẽ bị đào thải, xã hội sẽ quay lưng, giới học thuật và nghiên cứu khoa học sẽ tẩy chay. Cuộc sống sẽ có cơ chế loại trừ những thứ giả dối.
Lê Chân Nhân
LOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!