Nghĩ về sự “băn khoăn” của Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong
(Dân trí) - Một phát ngôn của ông Nguyễn Thành Phong được nhiều tờ báo giật lên làm tít cho bài viết: “Chủ tịch TP.HCM: Thanh tra, khởi tố nhiều làm giảm 'nhuệ khí' công chức” – Vnexpres, “Chủ tịch TP.HCM: Thanh tra, khởi tố nhiều làm giảm 'nhuệ khí' công chức” – Vietnam Net, “Chủ tịch UBND TPHCM: Các cuộc thanh tra ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư!” – Dân trí…
Tại kỳ họp thứ 12 của HĐND TP khóa IX vừa qua, ông Phong nói: "Các cuộc thanh tra, khởi tố giúp thành phố nhận thức rõ những hạn chế, khuyết điểm; thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới. Nhưng việc này cũng làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính".
Trước hết, phải khẳng định những tâm tư này của người đứng đầu chính quyền Thành phố là có thật và nó cũng được nói ra hết sức thành thật, công khai.
Song, thực ra điều này không mới. Nó đã nằm trong dự tính, trong trù liệu mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hơn một lần đề cập. Cách đây chưa lâu, tại cuộc họp của Ban Bí thư tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Trọng thẳng thắn: “Trung ương không bao giờ chùng xuống hay mệt mỏi đâu. Tôi đã nói rồi, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Không chỉ thế, ông Trọng còn nhắc nhiều những câu tương tự như: “Bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng; còn xử lý cán bộ chỉ làm cho Đảng mạnh thêm. Cuộc đấu tranh này càng lấy lại uy tín của Đảng” hay “Khâu nào yếu là phải chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay”…
Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước cũng như cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận sự việc từ lâu và nó khẳng định ý chí không lay chuyển trong công cuộc đầy gian nan, vất vả này. Bởi đây không chỉ là nguyện vọng của nhân dân mà còn là đòi hỏi đối với chính đảng cầm quyền, với Nhà nước Việt Nam.
Vậy thì vì sao vị Chủ tỊCH TP HCM, nơi đầu tầu kinh tế của cả nước, một trong những “địa chỉ” chứa ẩn nhiều tiêu cực hiện đang là tâm điểm của công cuộc phòng chống tham nhũng đồng thời cũng là nơi đang quyết liệt chống tham nhũng lại phát biểu “nhạy cảm” như vậy?
Đây là điều khó lý giải mà có lẽ, chỉ ông Phong mới có thể trả lời đầy đủ.
Về ý kiến cá nhân, theo người viết bài này, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang mang lại sinh khí mới cho đất nước. Lòng dân phấn khởi. Các nhà đầu tư yên tâm hơn…
Và thành quả nhãn tiền, theo thông tin mới nhất từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tăng trưởng Việt Nam năm 2018 có thể đạt tới mức 7%, thuộc hàng cao nhất không chỉ trong khu vực, đạt kỉ lục trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc.
Câu hỏi ở đây, ai là những người “làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính”? Câu hỏi này xin gửi bạn đọc Dân trí trả lời giúp.
Với Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, người viết bài này mong rằng ông hãy “bền gan, vững chí”, thẳng tay loại bỏ những ai trì trệ, giảm năng động làm ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước và hoàn toàn có thể, họ đang lo sợ cho một điều gì đó chăng?
Xin nhắc lại một lần nữa lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Câu nói này không chỉ đối với công cuộc phòng chống tham nhũng mà với cả những ai “giảm năng động” dẫn tới “chậm giải quyết hồ sơ hành chính”.
Xin nói thẳng, hãy đuổi họ ra khỏi đội ngũ bởi chính họ đã và đang cản trở sự đi lên hiện nay.
Bùi Hoàng Tám