Nghĩ về quy trình bổ nhiệm cán bộ trẻ!
(Dân trí) - Hình như chỉ mỗi cây chuối là suốt đời không rụng lá. Loài lá thiếu tự trọng từ lúc mọc đến khi thối nẫu cũng không chịu rời bỏ thân cây. Đất nước sẽ bi kịch nếu như tồn tại “phong trào bám trụ kiên cường” và “ngọn cờ lá chuối”, phải không các bạn?
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Qui trình bổ nhiệm cán bộ quá chặt chẽ về thời gian công tác, yếu tố kinh nghiệm mà ít xem xét trí tuệ, tài năng dẫn đến sự hạn chế trong bổ nhiệm cán bộ. Những qui định hiện hành khiến cho người trẻ được bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt ở những ngành, địa phương như giám đốc sở hay chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh gần như không thể. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, 40 tuổi nhiều người đã làm tổng thống, thủ tướng. Đó là những ý kiến xác đáng tại Hội nghị nhà báo trẻ đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII do T.Ư Đoàn tổ chức, sáng 30/9 tại Hà Nội.
Trong tất cả các văn bản, nghị quyết từ trung ương đến địa phương, một trong những việc luôn được nhấn mạnh là đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cất nhắc thế hệ trẻ. Song, có một thực tế là hiện nay, cán bộ trẻ được bổ nhiệm vào những cương vị chủ chốt vô cùng hiếm.
Kết quả bầu cử tại Đại hội Đảng bộ 15 tỉnh vừa qua, chỉ duy nhất Lào Cai đạt được tỷ lệ 10% cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi). Thậm chí, tại nhiều tỉnh, tỷ lệ này rất thấp như Thái Bình chỉ đạt 1,85%, Hòa Bình đạt 3,7%...
Ngay tại Hà Nội cách đây mấy năm, trong danh sách cơ cấu bầu vào HĐND cũng không đủ số lượng đại biểu trẻ. Một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thủ đô của đất nước mà thiếu cán bộ trẻ thì thật đáng báo động.
Nhìn lại đội ngũ lãnh đạo cao cấp trẻ hiện nay cũng đáng suy nghĩ khi mà số bộ trưởng dưới 55 tuổi đếm trên đầu ngón tay. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cũng tương tự. Thậm chí, trưởng phó phòng cấp sở ngoài 40 tuổi vẫn được coi là cán bộ trẻ.
Trong khi đó, ngay từ ngày đầu giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm hàng loạt các vị lãnh đạo cao cấp ở độ tuổi ba mươi mà tên tuổi của họ rạng danh đến ngày nay. Đó là các vị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Rồi các bậc cách mạng tiền bối như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai… Họ đều rất trẻ.
Nếu nhìn sâu vào lịch sử, chúng ta còn thấy những bậc hào kiệt như Quang Trung Nguyễn Huệ 35 tuổi xưng vương, 36 tuổi đại phá quân Thanh với trận Đống Đa – Ngọc Hồi lưu danh thiên sử.
Vậy nguyên nhân do đâu?
Có rất nhiều yếu tố, song cái rõ nhất hiện nay là cái nhìn kẻ cả, không tin và cũng không dám tin thế hệ trẻ của một số lãnh đạo. Đây là sự nhầm lẫn tai hại. Nhất là trong sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hôm nay, diện mạo thế giới thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ thì việc lỗi thời cũng xảy ra từng ngày, từng giờ.
Có một cái cớ hay được vin vào mỗi khi đề bạt, cất nhắc là thế hệ trẻ chưa từng trải, ít vốn sống, thiếu kinh nghiệm. Đó là lý do… hài hước bởi trẻ thì làm sao đã có “từng trải”, làm sao nhiều “vốn sống” và “kinh nghiệm”?
Vả lại về sự “từng trải”, xin thưa hầu hết mọi công việc ở cơ quan lớn nhỏ “các bác” đều ôm đồm bằng hết, có cho họ được tham gia đâu mà đòi hỏi “từng trải”? Còn cái gọi là “vốn sống và kinh nghiệm”, xin nói thẳng tư duy bây giờ là tư duy sáng tạo chứ không phải tư duy kinh nghiệm kiểu “Chuồn chuồn bay thấp…”.
Khi khoa học càng phát triển thì chủ nghĩa kinh nghiệm càng bị thu hẹp. Yếu tố quyết định làm nên thành công của thế giới hôm nay là tư duy sáng tạo và chỉ có sáng tạo mới thay đổi được thế giới. Mà sáng tạo thì thường thuộc về thế hệ trẻ.
Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận kinh nghiệm song nó chỉ là một yếu tố khiêm tốn. Tiếc thay giờ đây, nhiều khi nó được dùng như tấm bùa cho tư tưởng “sống lâu lên lão làng”.
Điều đáng lo ngại nhất là khi những lý do trên thực ra chỉ là cái cớ của sự tham quyền cố vị. Cái thói “đó rách ngáng chỗ” đã kìm hãm phát triển.
Cách đây ít lâu, mình đã liên tưởng với hành trình của lá. Những chiếc lá sinh ra không chỉ biết "lá lành đùm lá rách", "lá rụng về cội" mà mỗi mùa đông còn biết tự rụng để mùa xuân, nhường chỗ cho những chồi non mới.
Hình như chỉ mỗi cây chuối là suốt đời không rụng lá. Loài lá thiếu tự trọng từ lúc mọc đến khi thối nẫu cũng không chịu rời bỏ thân cây. Và cũng vì thế, khi chuối đã ra buồng là không còn chiếc lá non nào được sinh ra nữa.
Đất nước sẽ bi kịch nếu như tồn tại “phong trào bám trụ kiên cường” và “ngọn cờ lá chuối”, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám