Nghĩ về niềm tin gửi Quốc hội

(Dân trí) - Qua 2 kỳ họp đã nhận thấy diện mạo của Quốc hội nhiệm kỳ này mà mới hôm trước thôi, chắc không ít người tự hỏi: Những đại biểu do mình bầu lên có đáp ứng được nguyện vọng của mình không? Có đại diện cho ý chí và nguyện vọng nhân dân không?...

Điều dễ dàng nhận thấy là chất lượng của ĐBQH những khóa gần đây được nâng lên rõ rệt. Biểu hiện là qua các kỳ chất vấn và trả lời chất vấn, nếu trước đây vẫn còn có các câu hỏi rườm rà, không rõ nghĩa hoặc mang tính nhỏ lẻ, yêu cầu hay đề nghị cho địa phương mình, ngành mình thì gần đây, những câu hỏi đó thường rất ít xuất hiện. Những “kính thưa, kính gửi” lòng vòng cũng đã được khắc phục. Đặc biệt, cử tri nhận thấy ở nhiều Đại biểu sự hiểu biết khá đầy đủ, có chính kiến rõ ràng khi phát biểu và sự tự tin khi chất vấn từ Bộ trưởng đến Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ. Điều này thể hiện trách nhiệm của đại biểu đối với đất nước đồng thời thể hiện đúng vị thế đại diện xứng đáng của nhân dân.
 
Nghĩ về niềm tin gửi Quốc hội - 1
 
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Phần trả lời chất vấn phiên vừa qua của Thủ tướng Chính phủ các thành viên Chính phủ cũng được đa số cử tri đánh giá cao. Đặc biệt, trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hai vấn đề trọng đại là quan điểm của Chính phủ về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lý do Chính phủ đề nghị Quốc hội xây dựng và ban hành Luật biểu tình đã nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân. Đối với các Bộ trưởng và Thống đốc NHNN VN, trong mục Thăm dò ý kiến của báo Dân trí đã có hàng vạn bạn đọc truy cập và hàng ngàn bạn đọc tham gia bình chọn, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Vương Đình Huệ được bạn đọc đánh giá cao.

Tuy nhiên qua hai kỳ họp trên, Quốc hội đã xuất hiện đôi điều đáng suy nghĩ.

Thứ nhất, xin đề cập đến sự “hồn nhiên” của ĐB. Nguyễn Minh Hồng với đề xuất xây dựng Luật Nhà văn. Càng ngạc nhiên hơn khi trên báo Đất Việt ngày 14/11/2011, được hỏi vì sao cần phải có Luật Nhà văn, ĐB. Hồng đã rất “hồn nhiên”: “… Tôi chỉ là cầu nối đưa nguyện vọng của các nhà văn ra Quốc hội thôi. Vì thế, tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn. Tôi chỉ thực hiện lời hứa, còn cụ thể vì sao cần có Luật Nhà văn thì tôi chưa nghĩ ra”.

Một ĐBQH đề xuất xây dựng một luật liên quan trực tiếp và mật thiết đến mình (ông Hồng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) mà chưa nghĩ ra vì sao cần có luật này thì lạ thật. Quốc hội với vai trò lập pháp, bầu và phê chuẩn những chức danh quan trọng của Nhà nước và quyết định những vấn đề lớn của đất nước mà có đại biểu “hồn nhiên” như vậy thì quả thật… nguy hiểm.

Điều băn khoăn thứ hai là phát biểu của ĐB. Hoàng Hữu Phước. Có thể nói trình bày của Thủ tướng trước Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua đã toát lên đầy đủ sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành Luật biểu tình. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ “Nhân dân” in trên Dân trí đã phải đặt câu hỏi: “Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?”. Tác phẩm đã có hàng vạn bạn đọc truy cập và hàng trăm bạn đọc trao đổi ý kiến, hầu hết đều có chung câu hỏi như của nhà thơ.

Điều băn khoăn thứ ba thuộc về ĐB. Nguyễn Bá Thuyền khi ông đưa ra nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Nếu trả lời vòng vo thế thì ai cũng làm bộ trưởng được". Dù có thể thông cảm với những bức xúc của ĐB. Thuyền về tai nạn và ách tắc giao thông nhưng vẫn không thể đồng tình với cách nói này vì nó có vẻ xa lạ với truyền thống văn hóa và cách hành xử của người Việt Nam.

Điều băn khoăn thứ tư là vẫn còn có những đại biểu khi chất vấn không đi trực tiếp vào vấn đề mà vòng vo để… khen Chính phủ khiến Chủ tịch Quốc hội phải nhắc nhở nên đi trực tiếp vào câu hỏi. Khá tiêu biểu cho loại ý kiến này là ĐB. Đặng Thị Hoàng Yến và ĐB. Đặng Thành Tâm. 

Thực ra, việc khen ngợi những thành công của Chính phủ là việc đúng, cần thiết nhưng không thiếu gì lúc. Đưa ra nghị trường vào phiên chất vấn là không đúng lúc, đúng chỗ. Chất vấn không phải là nơi khen nhau mà là để nêu lên những khó khăn, bức xúc rồi cùng nhau tìm phương án giải quyết, đưa đất nước phát triển. Đó mới là điều mà cử tri cần, Quốc hội cần và Chính phủ càng cần hơn.

Thực lòng, kiểu “yêu nhau” như thế đôi khi “lại bằng mười phụ nhau”.

Có lẽ tất cả chúng ta đều có chung một mong muốn là làm sao để có được một Quốc hội với những đại biểu đủ tâm, đủ tầm, tiêu biểu để xứng đáng là người đại diện cho cử tri cả nước. Rất mong đại biểu Quốc hội lắng nghe để xứng đáng với niềm mong đợi của nhân dân.

Tuy mới qua một thời gian ngắn, ngoài một số băn khoăn trên, có thể nhận thấy chất lượng đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này xứng đáng với vai trò đại diện cho cử tri cả nước.

Bùi Hoàng Tám