Nghĩ về những “ông vua con” và nỗi lo cơm áo của các cầu thủ trẻ

(Dân trí) - Có những số phận được an bài, được “trải thảm đỏ” khi bước vào đời, thậm chí, được “túm tóc lôi lên”, “bế đặt vào ghế”… Lại cũng có rất nhiều người sinh ra đã phải nỗ lực, phấn đấu gấp trăm, gấp nghìn người khác mới tiến đến được thành công

Nghĩ về những “ông vua con” và nỗi lo cơm áo của các cầu thủ trẻ - 1

Thông tin báo chí vừa cho biết, cuối tuần vừa rồi, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tổ chức riêng một cuộc họp về trường hợp ông Lê Phước Hoài Bảo – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư của địa phương này. Sau đó, ông Bảo đã bị tạm đình chỉ công việc.

Chẳng ai bận tậm chuyện một ông giám đốc sở làm việc hay không làm việc nếu đó không phải là một trường hợp có vấn đề trong bổ nhiệm.

Sinh năm 1985, là con trai của nguyên Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam Lê Phước Thanh, Lê Phước Hoài Bảo là giám đốc sở trẻ nhất nước khi được bổ nhiệm vào vị trí này vào năm 30 tuổi.

Trung tuần tháng 12/2017, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam đã không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học thạc sỹ tại nước ngoài.

Lê Phước Hoài Bảo bị UBKTTƯ yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức Đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng...

Đến nước này, tôi nghĩ, người ê chề chẳng những là ông Bảo, mà còn là cái “vết” mà bậc làm cha làm mẹ như ông Lê Phước Thanh không bao giờ mong muốn. Thanh danh cả một đời, bỗng chốc cũng chỉ vì con cái mà xuống sông, xuống bể.

Thật trùng hợp, cũng trong ngày hôm qua, tôi đọc được thông tin hậu vệ Phạm Xuân Mạnh của đội tuyển U23 sau khi về nước đã gọi điện cho gia đình, bảo rằng “nếu có tiền thưởng, con gửi về cho bố mẹ trả nợ…”.

“Năm ngoái, căn nhà dột nát quá, tôi phải vay mượn để làm. Nó bảo bố mẹ vất vả nhiều rồi, giờ nó sẽ cố gắng để có thể lo cho vợ chồng tôi, không muốn tôi phải theo cái máy cày nữa”, ông Phạm Xuân Linh, bố cầu thủ Phạm Xuân Mạnh kể lại trên Dân Trí.

Không chỉ có Xuân Mạnh, nhiều cầu thủ khác xuất thân “chân lấm tay bùn” cũng có ước mong tương tự. Ngay như thủ môn Tiến Dũng, khi nhận tin được thưởng riêng 500 triệu đồng, điều đầu tiên mà em nghĩ đến là gửi tiền về cho ba mẹ sửa sang nhà cửa, sắm máy lọc nước, mua máy giặt cho mẹ để mẹ đỡ vất vả khi giặt đồ, tặng bố một chiếc máy massage vì bố hay mệt và đau lưng…

Những câu chuyện đó như tô đậm hơn hai mảng sáng tối đối lập của bức tranh cuộc sống. Có những số phận được an bài, được “trải thảm đỏ” khi bước vào đời, thậm chí, một đại biểu Quốc hội từng dùng từ “túm tóc lôi lên”, “bế đặt vào ghế”… Nhưng, cũng có rất nhiều người sinh ra đã phải nỗ lực, phấn đấu gấp trăm, gấp nghìn người khác mới tiến đến được thành công.

Và tôi biết, các bạn biết, còn nhiều lắm những Lê Phước Hoài Bảo, những trường hợp mà từ điển tiếng Việt thông dụng cần phải thêm vào “4C”, “5 ệ”, những trường hợp cơ cấu sẵn cho đúng quy trình.

Đồng thời, lại cũng có rất nhiều những Xuân Mạnh, Tiến Dũng… ngoài sân cỏ. Có bao nhiều thủ khoa nghèo trầy trật không “xin” nổi một suất vào làm công chức, bao nhiêu người dẫu có tài có đức, dùng hết tuổi trẻ cống hiến cho tổ chức nhưng mãi vẫn không nhấc nổi ra khỏi ghế “nhân viên quèn”… Bởi, cứ mỗi một “ông vua con” được o bế đưa vào hệ thống là một cơ hội để những người còn lại nỗ lực phấn đấu bị mất đi.

Tất nhiên, chẳng ai nói cứ ra trường tốt nghiệp làm “người nhà nước” là con đường duy nhất cả. Thế cho nên, nếu không sớm bỏ cái cách thức tuyển dụng, bổ nhiệm theo lối quan hệ, kim tiền như hiện nay, thì chẳng chóng thì chầy, “chất xám” chảy sang hết lĩnh vực tư nhân hết, thậm chí là tìm đường xuất ngoại.

Một môi trường bình đẳng, chẳng những vì tương lai đất nước, mà cũng là để, không bậc cha mẹ nào còn phải “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, để trong đời, bất cứ con người nào cũng biết đi, biết chạy trên chính hai chân của mình, biết lo cho bản thân và biết lo cho người khác.

Bích Diệp