Nghĩ về chuyện đếm… túi tiền tỷ phú

(Dân trí) - Cách đây chỉ hơn 1 ngày, tạp chí xếp hạng Forbes công bố danh sách những người giàu nhất hành tinh, và Việt Nam có 4 người được công nhận là “tỷ phú đô la”. Con số 4 có thể không quá nhiều nhưng nó cho thấy tốc độ gia tăng người giàu rất mạnh mẽ ở nước ta trong những năm gần đây.

Nghĩ về chuyện đếm… túi tiền tỷ phú - 1

Còn nhớ 7 năm trước, lúc đó Việt Nam mới chỉ có một tỷ phú đô la đầu tiên với khối tài sản cổ phiếu thời bấy giờ trị giá ở mức 21.200 tỷ đồng. Đến tận năm 2017, khi một hãng hàng không giá rẻ lên sàn thì Việt Nam mới có thêm tỷ phú đô la thứ hai. Sang năm nay, con số này được nhân đôi, và nhiều phỏng đoán cho rằng, thực tế vẫn còn nhiều tỷ phú đô la nữa chưa được ghi nhận.

Giàu – là điều mà cả triệu triệu người mơ tưởng. Có bao nhiêu người trong chúng ta, từ những người cày cuốc ngoài đồng đến những người quần quật viết lách, làm việc văn phòng… cả đời làm lụng chỉ cốt mong có vài ba tỷ VND trong tài khoản, yên tâm lúc về già. Nên thật khó tưởng tượng về những người nắm trong tay cả hàng chục nghìn tỷ đồng. Họ hưởng thụ ra sao, làm việc thế nào?

Cách đây vài năm, khi đi phỏng vấn một vị tỷ phú ngân hàng, tôi đã phải chờ thêm 30 phút để nhân vật của mình tranh thủ dùng bữa trưa. Lúc đó đã là hơn 4 giờ chiều. Một suất cơm hộp để dở trên bàn làm việc, cũng chỉ có ít thịt, cá, đậu phụ rán, canh cua, dưa cà… Chuyện ăn cơm muộn với ông cũng rất bình thường, 11-12 giờ đêm về tới nhà mới dùng bữa tối.

Rồi mới đây, một đồng nghiệp của tôi còn chia sẻ tấm ảnh chứa đựng nhiều ý nghĩa về đôi dép lê hơn chục nghìn dưới bàn làm việc của một doanh nhân đang có hơn hai chục nghìn tỷ.

Đó là nói về tỷ phú Việt. Ở thế giới, cỡ như Warren Buffett, nhà đầu tư lừng lẫy trên thị trường chứng khoán với khối tài sản không lồ gần 90 tỷ USD nhưng ông vẫn chỉ sống trong căn hộ mua suốt từ năm 1958, ăn sáng với một chiếc hamburger trên đường lái xe đi làm, lái một chiếc xe nhiều năm không thay đổi và thậm chí, trung thành với một chiếc điện thoại gập Nokia, không có ý định chuyển sang dùng smartphone.

Nên có lẽ, cứ nghĩ rằng mục tiêu đời người chỉ làm sao vun vén cho mình giàu lên rồi hưởng thụ: ăn phải là sơn hào hải vị, uống phải là rượu đắt tiền, ở phải dinh thự, du lịch cả năm trong những khách sạn 5,6 sao thượng hạng… Nếu cứ nghĩ như thế, chắc khó giàu, mà giàu lên rồi cũng khó mà bền được. Thì đấy, bao nhiêu anh trúng số, may mắn không làm gì mà cũng có cả hàng triệu đô, thế rồi “của thiên trả địa”, có giàu nổi đâu.

Nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam có lần chia sẻ thế này: “Trong cuộc đời 30 năm làm doanh nhân, tôi chưa bao giờ đếm xem mình có bao nhiêu tiền cả, cũng chưa bao giờ đặt cho mình mục tiêu trở thành triệu phú hay tỷ phú”.

Hay như ông Phạm Nhật Vượng, thậm chí còn thẳng thừng tuyên bố “tôi không quan tâm” đến việc lọt vào danh sách 500 người giàu nhất thế giới, bởi “quan tâm của tôi là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình”.

Tầm vóc lớn của doanh nhân, theo người viết, chính là ở đó. Một người nếu chỉ biết bo bo làm giàu cho mình, chỉ biết tiêu xài hưởng thụ, thậm chí bất chấp đạo lý, luật pháp mà giàu lên thì không ra được cốt cách doanh nhân, người ta nhìn vào chỉ thấy họ là “trọc phú”.

Đương nhiên cũng phải thừa nhận rằng, tỷ phú nào khi đã giàu lên thì cũng có đóng góp về thuế, cũng đã tạo công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm cho xã hội… (trốn thuế, thì xin chẳng đề cập đến làm gì). Thế nhưng, một nét đẹp khác mà cộng đồng cũng chờ đợi nhiều ở các tỷ phú chính là từ thiện, là sự sẻ chia với đồng bào mình, với tầng lớp những con người bất hạnh, khốn cùng trong xã hội.

Một lượng tiền chiếm hơn 70% tài sản đã được Warren Buffett dùng làm từ thiện; vợ chồng Bill Gates cũng hiến 99,95% tài sản cho công tác này. Cách đây không lâu, ông chủ Facebook cũng cam kết quyên góp 99% tài sản…

Đó đều là những con số rất thực. Nên, thật mong, bên cạnh danh sách người giàu, siêu giàu ngày một dày thêm, chúng ta sẽ còn có một danh sách thống kê, một sự ghi nhận khác về những người làm từ thiện nhiệt thành nhất.

Bởi, vị tha – chứ không phải giàu có, phải chăng mới là nét đẹp, nét đáng quý nhất trong cuộc đời này?

Bích Diệp