Nghĩ về câu nói dũng cảm “Thà cô chết chứ không để trò chết”!

(Dân trí) - Thông tin mới nhất từ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tại thời điểm này (sáng 16/12), đoàn cán bộ Bộ GD&ĐT đang trên đường vào Phú Yên trao Bằng khen của Bộ và tặng quà cho các cô giáo theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen ngợi, trong đó có đoạn: “Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo: “Thà cô chết chứ không để trò chết”. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời biểu dương, khen ngợi các cô giáo…”.


(Minh họa: NGọc Diệp)

(Minh họa: NGọc Diệp)

Nếu như cách đây hai tháng, là những địa phương Bắc Miền Trung Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An thì giờ đây, Nam Miền Trung lại chìm trong mưa lũ. Tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… những cơn lũ hung dữ ầm ập đổ về.

Để nói về sự tàn phá khốc liệt, người xưa có câu: “Thủy – Hỏa – Đạo – Tặc”. Mỗi khi lũ lụt đi đến đâu là để lại sự hoang tàn đến đó. Nhà cửa, hoa màu bị hư hại. Người và gia cầm, gia súc bị lũ cuốn trôi. Và trong bão lũ, luôn nổi lên tinh thần quật cường chống trả thiên nhiên, bảo vệ tài sản và tính mạng của đồng bào nơi thiên tai tàn khốc.

Những ngày qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng kể lại câu chuyện xúc động về sự dũng cảm của 4 cô giáo cùng 15 em học sinh Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) chống chọi trong mưa lũ.

Trên báo Dân trí, bài “Thắt tim cảnh 4 cô giáo và 15 trẻ nhỏ bu bám một cửa sổ khi lũ ập tới” kể lại: Sáng 13/12, do trời mưa nên chỉ có hơn 35 em học sinh đến lớp. Đến khoảng 12g, do mưa mỗi lúc một to, nước bắt đầu dâng lên nên ban giám hiệu gọi điện báo cho phụ huynh đón các cháu về.

Tuy nhiên, chỉ có 20 cháu được cha mẹ đón về kịp thời, 15 cháu còn lại và 4 cô giáo bị kẹt trong lớp, không thể ra ngoài được vì nước đã ngập sâu hơn 1,5m. Trong khi đó, cách trường chừng 100m, phụ huynh của các cháu đứng trên Quốc lộ 1 nhưng không thể bơi vào được vì nước to, chảy mạnh.

Nước mỗi lúc dâng cao, ban đầu các cháu đứng trên bàn học và vai các cô hoặc bám vào cửa sổ. Khi nước ngập bàn học, các cô phải đưa các cháu đứng lên trên nóc tủ rồi mỗi cô trông một tủ để không bị đổ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hòa - Phó hiệu trưởng trường Mầm non Mỹ Phú 2 nói: “Nước lên rất nhanh, ngập qua nửa khung cửa sổ, chúng tôi phải đỡ các trẻ nhỏ leo lên cửa sổ rồi cùng bu bám vào đấy chờ người ứng cứu. Lúc đó, có cháu bé hoảng sợ quá nên vùng vẫy, bị rơi xuống nước, may mà phát hiện cứu được. Nhưng nước ngày một lớn, các cháu sợ khóc thét khiến chúng tôi càng hoang mang”. Cô Hòa thuật lại.

Trên báo Tuổi trẻ viết: “Trong khi cho các cháu đu trên cửa sổ, bé Đỗ Khánh Thương (5 tuổi) đuối quá bị rơi xuống nước. Mực nước trong phòng học lúc này đã lút đầu người lớn.

Cô Nguyễn Thị Hòa không quản hiểm nguy, lặn vớt bé Thương, đưa lên đầu tủ ngồi. Lúc đó, cô và trò ôm nhau mà khóc.

“Ngày hôm trước tôi hiến máu tình nguyện, người không được khỏe thì ngày hôm sau gặp trận lũ quét. Lúc đó tôi nghĩ là làm sao đưa tất cả 13 trẻ ra khỏi lớp an toàn là được. Thà cô chết chứ không để trò chết. Đến khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được cô trò, đưa các cháu ra ngoài, chúng tôi bật khóc vì mừng” - cô Thái Thị Tuyết Hồng nói”.

“Thà cô chết chứ không để trò chết”. Câu nói của cô giáo Tuyết Hồng (người hôm trước vừa đi hiến máu) đã thể hiện đầy đủ lòng dũng cảm, đức hi sinh của nhiều thầy cô giáo không chỉ ở nơi đây mà còn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu đó, nhất là với các thầy cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo. Nơi mà đời sống kinh tế khó khăn, mọi hiểm họa luôn rình rập đến bất cứ thời điểm nào.

Xin cảm ơn tinh thần hi sinh và sự dũng cảm của các cô giáo. Xin chia sẻ với bà con nơi bão lũ.

Biết rằng trong cuộc sống hiện nay, vẫn còn không ít những kẻ có quyền, có chức vì lợi ích cá nhân sẵn sang hi sinh, thậm chí chà đạp lên lợi ích cộng đồng như Dương Chí Dũng, Phạm Thanh Bình, Trịnh Xuân Thanh… thì vẫn còn đó những con người bình dị dám hi sinh thân mình vì người khác. Một lần nữa, xin được nhắc lại câu nói bất tử của thầy cô nơi bão lũ: “Thà cô chết chứ không để trò chết”.

Bùi Hoàng Tám