Nghĩ về cái chết của một nữ sinh bị đẩy đến đường cùng

(Dân trí) - Một câu chuyện đau lòng vừa mới xảy ra tại tỉnh Bình Phước, khi nữ sinh Tr, 16 tuổi ở một trường THPT của tỉnh đã gieo mình tự tử vì không chịu nổi sức ép về học hành và thi cử mà bố mẹ tạo nên.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thông tin trên báo chí, trong lá thư tuyệt mệnh do em Tr để lại có đoạn: “Con xin lỗi vì đã không hoàn thành đư ợc ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng. Nhưng con đã trót rồi, con cũng có ước mơ. Bố mẹ biết không, con cũng từng mơ rằng con sẽ được học trường công an, ước rằng mặc được bộ quân phục ấy dù chỉ một lần. Nhưng con biết thực lực của con đến đâu. Con học không giỏi từ nhỏ chắc bố mẹ đã biết. Nhưng con luôn nghĩ rằng phải cố gắng lên nếu không sẽ phụ bố mẹ, làm bố mẹ buồn…”.

Bố mẹ mong cho em Tr, sẽ đậu vào ngành công an. Nhưng em Tr, biết sức học của mình không được như mong đợi của bố mẹ, để rồi trong phút giây nông nổi, em đã tự chọn cho mình cái chết giải tỏa những áp lực của bản thân. “Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được. Con xin lỗi…”.

Đọc những dòng thư của em mà không cầm nổi nước mắt. Chỉ ước giá như em có thể nói thẳng với bố mẹ tất cả những gì em đang phải đối mặt. Hoặc giá như có ai đó có thể chia sẻ, tư vấn cho em một lựa chọn tốt hơn.

Song, không chỉ có nữ sinh Tr. bồng bột, buông xuôi trước những áp lựa do cha mẹ tạo ra với con cái mình. Ba tháng trước đó, một câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra, nhưng không phải là với các em học sinh còn đang tuổi cắp sách đến trường như Tr. mà “nạn nhân” đã ở độ tuổi chín chắn hơn nhiều.

Đó là em Ngô Thị Hoài Nh. 20 tuổi, sinh viên hệ cao đẳng điều dưỡng của Trường đại học Y khoa Vinh. Vì không muốn theo học ngành y do rất sợ cảnh máu me, em muốn thi lại vào trường sư phạm. Tuy nhiên, bố mẹ của em không đồng ý. Trong phút nông nổi, em đã gieo mình xuống sông Lam.

Đáng buồn hơn là em Nguyễn Thị Lệ, sinh viên ngành bác sĩ Đa khoa Trường đại học Y khoa Vinh vì muốn cứu bạn mà bị đuối nước cùng do cả hai không biết bơi.

Tôi cứ băn khoăn một điều, việc chọn cho mình những quyết định tiêu cực như của em Tr, em Nh. phải chăng chỉ là hành động của một vài cá nhân đơn lẻ, hay thực tế nó đã và đang xảy ra với rất nhiều gia đình, với nhiều bậc làm cha làm mẹ thiếu sự sáng suốt trong quy tắc ứng xử, giáo dục con cái.

Và chắc không chỉ hai em nữ sinh trên, phải chăng còn có rất nhiều đứa con trong các gia đình khác không chọn cho mình cái chết, chấp nhận tuân theo mệnh lệnh của bố mẹ, để sống một cuộc sống không còn là chính mình, sống một cuộc đời như “con rùa bên bậu cửa”.

Có thể rất nhiều đứa con trong gia đình đã tìm cách phản kháng để được sống với đam mê, sở thích cũng như khả năng của chính mình.

Người Việt chúng ta có câu ca dao: “Cá không ăn muối cá ươn - Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Con cái phải tuyệt đối nghe theo mọi lời chỉ dẫn của bố mẹ nhìn ở góc độ nào đó phải chăng đó chính là nghịch lý được truyền dạy qua bao thế hệ, mà không ít trong chúng ta đã đến khi phải ngẫm lại rằng liệu “cha mẹ luôn luôn đúng”? Và phải chăng trong những đứa con dám “cãi” cha mẹ thì tất cả sẽ “trăm đường con hư”?

Biết bao nhiêu định hướng giáo dục vẫn được truyền từ đời này qua đời khác, từ chuyện định hướng nghề nghiệp: “cha truyền, con nối”, định hướng phấn đấu “Con hơn cha, nhà có phúc” được nhiều người trong chúng ta rập khuôn trong việc răn dạy con cái, nhưng ít ai ngồi lại để nghĩ, liệu cha “truyền” mà con không muốn “nối” thì sao?

Liệu con không hơn cha về năng lực, về công danh, nhưng là một đứa con hiếu thảo, ngoan hiền, biết chăm lo vừa đủ cho cuộc sống của bản thân thì nhà đó phải đâu không có phúc?!

Có phải đứa con nào cũng “công thành, danh toại” để cha mẹ được “nở mày nở mặt” với bạn bè, khi thành công trong thực tế luôn là số ít và thất bại luôn là số nhiều?!

Ở một khía cạnh nào đó, việc đặt ra cho mình những mục đích “phải làm được”, mà không suy nghĩ “làm thế nào để đạt được”, năng lực thực sự của con cái mình ở đâu rõ ràng là hành vi gián tiếp để đẩy con cái vào con đường không lối thoát.

Những cái chết nông nổi của các em nữ sinh như em Tr, em Nh. có thể sẽ tiếp tục tái diễn, nếu như nhà trường không làm tốt việc giáo dục, định hướng cho học sinh chọn lựa sở thích đam mê phù hợp với năng lực học tập. Và một khi cha mẹ không biết một trong những “chức năng” của đấng sinh thành với con cái ngoài nuôi nấng, dạy dỗ còn là nơi để cảm thông, sẻ chia, phải không các bạn ?

Thế Nam