Nếu "quan" cố tình “thù vặt”, dân chỉ còn nước “xin chào” mà đi!
(Dân trí) - Nếu như gặp một vị “quan” sở tại “nhỏ nhặt” khiến người dân nơm nớp sống trong lo sợ bị “trả thù” thì khó có con đường nào hơn là… vào rừng sống cùng thú dữ, phải không các bạn?
Cách đây mấy tháng, xung quanh vụ việc quán cà phê “Xin chào”, trong thư điện tử (comment), không ít độc giả Dân trí đã dự báo gia đình ông Nguyễn Văn Tấn sẽ bị “trả thù” và cách tốt nhất là nên “xin chào” mà bỏ đi chỗ khác.
Có lẽ để tiện theo dõi, xin nhắc lại vài nét về vụ việc này qua thông tin từ báo chí. Cách đây hơn một năm (8/2015), ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê “Xin chào” ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh (đối diện cổng Công an huyện) bị khởi tố.
Lý do, sau khi mới mở cửa được 5 ngày, quán của ông Tấn bị kiểm tra hành chính, lập biên bản vì không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đến ngày 18.8, ông Nguyễn Văn Quý - Trưởng công an huyện Bình Chánh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Tấn về 5 hành vi, trong đó có hành vi hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, tổng số tiền hơn 17 triệu đồng.
Sau khi có được giấy phép kinh doanh vào ngày 19.8.2015, ông Tấn tiếp tục đi đăng ký giấy Chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong lúc đang chờ cấp, Công an huyện Bình Chánh lại tiếp tục kiểm tra và phạt ông Tấn hai hành vi liên quan tới an toàn thực phẩm.
Cho rằng ông Tấn đã tái phạm hành vi vi phạm, Công an huyện Bình Chánh quyết định khởi tố và ngày 11.3.2016, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Văn Tấn về hành vi “kinh doanh trái phép".
Vụ việc đến tai Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và sau đó được xử lý hợp tình, đúng pháp luật.
Một loạt cán bộ liên quan bị thi hành kỉ luật, trong đó ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng VKS Quận 6 (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh) và ông Hồ Văn Son, cán bộ Viện KSND huyện Bình Chánh bị cách chức. Đại tá Nguyễn Văn Quý, người ký quyết định khởi tố cũng bị cách chức. Thiếu tá Nguyễn Hoàng Tuân và Đại úy Lê Cảnh Tuân bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.
Sự việc tưởng đến đó thì dừng lại thì mới đây, quán cà phê của ông Tấn lại một lần nữa… lao đao.
Lý do là bởi để có chỗ cho nhân viên rửa chén, ông Tấn mua thùng container cũ về cải tạo lại thành một căn phòng nhỏ. Trước khi làm, ông Tấn đã cẩn thận gửi đơn xin phép lên cơ quan chức năng, đồng thời cam kết sẽ tháo dỡ nếu có yêu cầu.
Thế nhưng đến ngày 16.8, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc, ông Nguyễn Thanh Vũ ra Quyết định số 230/QĐ-UBND đình chỉ thi công, trong đó yêu cầu cắt điện nước của quán cà phê và các biện pháp ngăn chặn khác. Trong thời hạn 3 ngày, ông Tấn phải tự tháo dỡ nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Đối với Quyết định trên, nhiều luật sư đã lập luận việc đặt container không phải là công trình xây dựng bởi nó “không gắn với đất” như tinh thần của Luật Xây dựng. Việc cắt điện, cắt nước cũng không đúng luật bởi việc mua bán điện, nước là quan hệ kinh tế, dân sự giữa người mua và người bán mà cụ thể ở đây là giữa ông Tấn và các công ty cung cấp…
Bài này, không bàn về việc đúng sai của sự việc, chỉ xin trích lời nghẹn ngào của “khổ chủ” Nguyễn Văn Tấn và câu nói của Bí thư huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Văn Phụng.
Trong nước mắt, ông Tấn nói: “Tôi không dám xây dựng công trình kiên cố vì sợ bị trả thù. Tôi mượn tiền mua cái container hoán cải loại nhỏ nhất hơn 15 triệu đồng để có chỗ chứa nồi niêu, ly tách phục vụ khách. Xe chở lại rồi đặt trên nền đất mất vài phút, có xây dựng gì đâu. Giờ lãnh đạo đòi cưỡng chế, nghe nói bị phạt hai mươi mấy triệu đồng, tôi sợ quá. Chỉ còn nước sang quán mà bỏ đi thôi. Tôi không hiểu gì cả. Cái thùng này bé xíu mà, đặt gọn gàng trên đất tôi thuê. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra và lo lắng tột bậc”.
Trao đổi với báo chí, Bí thư Nguyễn Văn Phụng nói: “Chủ tịch thị trấn nói là quyết định này ban hành theo biểu mẫu. Tôi nói, mẫu gì thì mẫu cũng phải hợp lý, hợp tình. Mà chỉ đạo cắt điện, cắt nước cũng không phải việc của Chủ tịch thị trấn. Có làm phải để dân phục, đừng làm chuyện nhỏ nhặt, không đáng".
Trân trọng ghi nhận quyết định hợp lý, hợp tình của Bí thư Bình Chánh và lời răn cấp dưới “đừng làm chuyện nhỏ nhặt, không đáng” của ông.
Chỉ thương ông Tấn không khéo phải “sang quán mà bỏ đi” thật như lời “tiên đoán” của bạn đọc Dân trí hôm nào.
Chợt nhớ người xưa có câu chuyện đại để là một gia đình nông dân phải vào sống trong rừng nhiều hổ dữ. Hỏi, họ nói rằng quan cai trị địa hạt là người tàn ác, hay hành xách, hoạnh họe… và kết luận “quan dữ hơn hổ dữ”, chỉ còn có nước bỏ quê hương, bản quán mà đi, dù vào rừng sống cùng thú dữ.
Nếu như gặp một vị “quan” sở tại “nhỏ nhặt” khiến người dân nơm nớp sống trong lo sợ bị “trả thù” thì khó có con đường nào hơn là… vào rừng sống cùng thú dữ, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám